Cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển

03/07/2014 22:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/6/2014, Trung tâm Tư vấn pháp luật tại Tp Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm: “Căn cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và quy định về phiên tòa quốc tế”.

Tại cuộc tọa đàm, tham luận của Tiến sỹ Trần Phú Vinh, giảng viên bộ môn Luật Quốc tế- Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh đã được đông đảo các luật gia, chuyên gia pháp lý đồng tình ủng hộ. PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Phú Vinh.

 

PV: Việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Vậy, xin ông nói rõ, theo Luật Quốc tế, hành vi của TQ đã vi phạm như thế nào?

 

Tiến sỹ Trần Phú Vinh: Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển 1982) được ký ngày 10/12/1982, có hiệu lực ngày 16/11/1994. Công ước Luật biển 1982 phân chia biển và đại dương thành 3 nhóm vùng biển khác nhau và chế độ pháp lý của từng nhóm cũng khác nhau. Thứ nhất, các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển (nội thủy và lãnh hải). Hai vùng biển này là lãnh thổ của quốc gia ven biển. Thứ hai, các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển (vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế). Tại hai vùng biển này tồn tại quyền của quốc gia ven biển và quyền của quốc gia khác. Thứ ba, vùng biển quốc tế: tất cả các quốc gia dù có biển hay không có biển được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm; tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác; tự do đánh bắt hải sản; và tự do nghiên cứu khoa học.

 

Vùng đặc quyền kinh tế được quy định tại Phần V Công ước Luật biển 1982. Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (Điều 57 Công ước Luật biển 1982). Đường cơ sở là đường dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Đảo Lý Sơn là một điểm để vạch đường cơ sở của Việt Nam theo Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ngày 12/11/1982. Tại sao gọi là vùng đặc quyền kinh tế? Theo Công ước Luật biển 1982, đây là một vùng biển đặc thù, không phải là lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng không phải là vùng biển quốc tế, mà là vùng biển mà ở đó chỉ có quốc gia ven biển mới có các đặc quyền trong lĩnh vực kinh tế và không một quốc gia nào khác được hưởng các quyền này.

 

Trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mình, chỉ có quốc gia ven biển (Việt Nam) mới có quyền thăm dò và khai thác dầu khí (tài nguyên không sinh vật) và có quyền tài phán trong việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị và công trình. Quyền tài phán được hiểu là các các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển (Việt Nam) có quyền bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người và phương tiện có hành vi vi phạm việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

 

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại địa điểm cách đảo Lý Sơn 119 hải lý là nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế và nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về Biển Đông.

 

Cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển

Tiến sỹ Trần Phú Vinh phát biểu tại buổi tọa đàm

 

PV: Xin ông nói rõ hơn về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về biển Đông?

 

Tiến sỹ Trần Phú Vinh: Thứ nhất, TQ đã vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế - một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế được quy định tại Khoản 2, Điều 2 Hiến chương Liên Hiệp quốc mà Việt Nam và TQ đều là thành viên. Nguyên tắc này có nội dung là các quốc gia đã cam kết như thế nào (thể hiện trong nội dung của các điều ước quốc tế) thì có nghĩa vụ thực hiện một cách tận tâm, thiện chí và đầy đủ nội dung của các cam kết đó. Thứ hai, TQ đã vi phạm nội dung các thỏa thuận song phương và đa phương về biển Đông. Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa được ký ngày 11/10/2011 tại Bắc Kinh (TQ). Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) được ASEAN và TQ ký ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 ở Phnom Pênh (Campuchia). Thứ ba, trường hợp TQ dùng máy bay quân sự, tàu quân sự tấn công các tàu của Việt Nam đang thực hiện quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của mình thì TQ đã vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế (Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên Hiệp quốc).

 

PV: Theo Luật Quốc tế thì việc vi phạm của Trung Quốc được giải quyết theo cơ chế như thế nào?

 

Tiến sỹ Trần Phú Vinh: Quốc gia ven biển (Việt Nam) có quyền đưa vấn đề này ra thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc để Đại hội đồng thông qua những kiến nghị cho thành viên Liên Hiệp quốc (TQ) hay Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp quốc. Quốc gia ven biển (Việt Nam) có quyền đưa vấn đề này ra thảo luận và được tham dự tại HĐBA, yêu cầu HĐBA xem xét ra nghị quyết áp dụng các biện pháp cần thiết đối với hành động đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA có thẩm quyền điều tra mọi tranh chấp hoặc mọi tình hình có thể dẫn đến sự bất hòa quốc tế hoặc tạo ra tranh chấp, để xác định xem tranh chấp ấy hoặc tình hình ấy nếu kéo dài có thể đe dọa đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế hay không.

 

Cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển

 Vị trí giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép

 

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể kiện TQ ra Tòa án quốc tế về Luật biển. “Tòa án quốc tế về Luật biển” hay “Tòa trọng tài” được thành lập theo Phụ lục VII hay “Tòa trọng tài đặc biệt” được thành lập theo Phụ lục VIII Công ước Luật biển 1982 có thẩm quyền xét xử bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước Luật biển 1982.

 

PV: Thưa ông, Việt Nam nên áp dụng phương thức nào để giải quyết vụ việc này?

 

Tiến sỹ Trần Phú Vinh: Trước tiên, các bên nên giải quyết bằng phương pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp quốc. Tiếp đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền kiện TQ ra Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982 về việc giải thích và áp dụng sai Phần V Công ước Luật biển 1982 (Vùng đặc quyền kinh tế).

 

PV: Xin ông cho biết phương thức kiện và giá trị phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982?

 

Tiến sỹ Trần Phú Vinh: Quy trình như sau: Gửi một thông báo viết tới bên kia. Thông báo có kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó. Tổng thư ký Liên Hiệp quốc lập ra và giữ một bản danh sách các trọng tài. Mỗi quốc gia thành viên có thể chỉ định bốn trọng tài có kinh nghiệm về những vấn đề biển và nổi tiếng nhất về sự công bằng, về năng lực và liêm khiết.

 

Tòa trọng tài được thành lập gồm có năm thành viên: Bên nguyên cử một thành viên mà mình tùy ý lựa chọn ở trên bản danh sách; Bên bị trong vụ tranh chấp cử một thành viên mà mình tùy ý lựa chọn trên bản danh sách; Ba thành viên khác được các bên thỏa thuận cử ra. Các quyết định của Tòa trọng tài được thông qua theo đa số các thành viên của Tòa. Bản án có tính chất chung thẩm và không được kháng cáo.

 

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi  này. 

 

Nguyễn Linh Giang (thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển