Thủ tướng giải trình về nội hàm kinh tế thị trường định hướng XHCN

Xuân Lan| 18/11/2015 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được đề cập toàn diện trong Cương lĩnh, Hiến pháp, nhiều Nghị quyết của Đảng.

Thủ tướng giải trình về nội hàm kinh tế thị trường định hướng XHCN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 18/11

Đối với phần chất vấn của các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự về nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề có phạm vi rộng lớn nên chỉ nhấn mạnh một số nội dung.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường hiện đại với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước đã sử dụng thể chế luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và bảo vệ môi trường; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân chủ, quyền con người, quyền công dân, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất; phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường.

Nhà nước cũng tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tự do sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường, đồng thời phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện được các nội dung trên, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung triển khai, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thi hành Hiến pháp và ban hành các văn bản, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường, hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ theo hướng hiện đại, chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản; chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế, gắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, cơ cấu lại phù hợp thu chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, quản lý hiệu quả nợ công, nợ xấu, bảo đảm an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng, thương mại bền vững; tăng cường quản lý thị trường, giá cả; thực hiện nhất quán cơ chế thị trường đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.

Riêng đối với những hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ y tế, giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ, chi phí hợp lý, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá; đồng thời hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện cơ chế thị trường đối với cung cấp các dịch vụ công, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được thụ hưởng; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tập trung, tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với kinh tế thị trường; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển; kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh, đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong cơ chế thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; tập trung phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ; thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững; quản lý tài nguyên, cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; nỗ lực xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao; tập trung cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy hiệu quả, vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân của mọi người dân, doanh nghiệp, của các hiệp hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; tham gia xây dựng, phản biện, giám sát, thực hiện chính sách pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân trong kinh tế thị trường.

Thủ tướng cho biết: Trong tháng 10 và tháng 11, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá giá tiêu dùng 11 tháng tăng 0,6-0,7 %, dư nợ tín dụng cả năm tăng 17%, mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu 11 tháng đạt 149 tỷ USD (tăng 8,5%); vốn FDI thực hiện khoảng 13,2 tỷ USD (tăng 17,9%), vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD, thu ngân sách ước đạt 94,1% dự toán (tăng 8,3%), chi ngân sách đạt 88,4% dự toán (tăng 7,4%) so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng khoảng 9,6%. Khu vực nông nghiệp vẫn phát triển, hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 7 triệu lượt. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động (tăng 2,8%) so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục chuyển biến tích cực.

Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2015, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%, khẩn trương triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về phát triển xã hội ngay ngày đầu 2016.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng giải trình về nội hàm kinh tế thị trường định hướng XHCN