Thủ tướng: Cần phải chỉ ra khâu yếu nhất trong cải cách hành chính

Xuân Lan| 17/08/2016 14:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước cần phải chỉ ra được khâu yếu nhất trong cải cách hành chính, nhất là khâu cán bộ, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể.

Sáng 17/8, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% vào năm 2020. Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. Quy trình hóa việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn ISO.

Tại hội nghị, Bộ Nội vụ cũng công bố kết quả xếp hạng cải cách hành chính PAR Index 2015. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu trong 19 bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp ngay sau là Bộ Tài chính. Bộ Giao thông Vận tải, sau 2 năm liên tiếp 2013-2014 đứng đầu đã tụt xuống vị trí thứ 3. Các bộ có sự tiến bộ đáng kể là Y tế, Giáo dục Đào tạo.

Về phía các địa phương, Đà Nẵng giữ vững phong độ, tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ 4 liên tiếp. Hải Phòng cũng duy trì vị trí thứ hai. Đồng Nai vươn lên vị trí thứ 3, trong khi Hà Nội tụt xuống vị trí thứ 9. Đứng 3 vị trí cuối trong 63 tỉnh thành là Kon Tum, Cao Bằng và Điện Biên. Các tỉnh có tiến bộ là Gia Lai, Vĩnh Long, Hà Nam, Bắc Kạn. Các tỉnh giảm là Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Hưng Yên.

Thủ tướng: Cần phải chỉ ra khâu yếu nhất trong cải cách hành chính

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hiến kế để cải cách hành chính hiệu quả, thiết thực, thực sự phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội lần thứ XI và XII, Đảng đều đề cập đến công cuộc cải cách hành chính, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đảng ta đã nhận diện về bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, không sát dân, không phục vụ sự phát triển. Chính vì vậy, Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, bao gồm cả bộ máy, cán bộ, công chức, kể cả phương pháp, điều kiện cụ thể để cải cách.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổng kết một cách thực chất, đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không mang tính hình thức. Thủ tướng yêu cầu một tinh thần nói thẳng, nói thật, nói thẳng vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương…

“Chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển. Vậy thì tinh thần đó được chỉ đạo như thế nào? Các cấp các ngành, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, những nơi tiếp xúc trực tiếp với dân có chuyển biến không? Có thực sự phục vụ nhân dân, có nhũng nhiễu hay không? Những hành động cụ thể nào của chúng ta để mang lại niềm tin của nhân dân qua cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính”, Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời yêu cầu các đại biểu cùng tập trung thảo luận, phân tích về khâu yếu nhất mà theo Thủ tướng đó là cán bộ liêm chính phục vụ nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước cần phải chỉ ra được khâu yếu nhất trong cải cách hành chính, nhất là khâu cán bộ hiện nay là gì và hãy hiến kế cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp về cải cách hành chính, trước hết là trong năm nay và năm sau. Bởi nếu tiếp tục giữ nguyên số lượng 2,6 triệu cán bộ, công chức và 2,5 triệu viên chức như hiện nay không thể nâng lương lên được.

Thủ tướng đề cập tới một số giải pháp cải cách hành chính mà Hội nghị cần tập trung thảo luận như tinh giảm số lượng biên chế nhà nước, cải cách tiền lương hay ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.

“Tôi nói ví dụ như Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi, Thủ tướng có thể nói chuyện trực tiếp với chủ tịch xã qua công nghệ thông tin. Cần công khai thông tin mới được. Chỗ này vấn đề đất đai giải quyết thế này, chỗ kia thì giấu sổ này sổ kia khiến người dân bất bình. Một hệ thống cán bộ cấp hành chính như thế làm sao họ tin được. Chúng ta phải sửa, phải minh bạch hóa, điện tử hóa cái này. Chính phủ điện tử chính là phục vụ trực tiếp đối với quyền của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Cần phải chỉ ra khâu yếu nhất trong cải cách hành chính