Thủ tướng: Cần chống dịch tả lợn như chống giặc

Thảo Nguyên| 04/03/2019 13:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi”.

Sáng 4/3 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý. 

Tính đến ngày 3/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ chăn nuôi thuộc 7 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh đã tiêu hủy là hơn 4.200 con, tương đương trọng lượng 297 tấn. 

Thủ tướng: Cần chống dịch tả lợn như chống giặc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh đặc điểm chăn nuôi lợn của Việt Nam có đến 2,5 triệu hộ chăn nuôi và thịt lợn chiếm 70% sản lượng thịt trong nước, nếu không ngăn chặn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ chăn nuôi, Thủ tướng chỉ đạo: "Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam”.

Việc ngăn chặn, phòng chống dịch nếu được thực hiện tốt, dịch tả lợn châu Phi sẽ không lây lan trên diện rộng. Do đó, cần triển khai chống dịch quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương. 

Thủ tướng cho phép tăng mức giá hỗ trợ

Dù xác nhận chưa bị tác động ảnh hưởng trực tiếp từ dịch tả lợn châu Phi nhưng tại thị trường TP.HCM, trong những ngày gần đây, giá thịt lợn có chiều hướng giảm nhẹ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do một số vùng chăn nuôi heo ở miền Bắc đang bán tháo đàn heo để "chạy" dịch, nguồn cung từ Bắc vào Nam gia tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị: "Điều cần nhất là không giấu dịch và công khai, minh bạch thông tin để mọi người chủ động ứng phó. Để nhanh chóng dập dịch trên diện nhỏ, hạn chế lây lan, cần nâng cao ý thức và sự phối hợp của người dân, trong đó có chính sách hỗ trợ cho người dân phù hợp để tránh tình trạng bán "chạy" dịch".

Hiện, mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường. Theo đó, Bộ Nông nghiệp cũng có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái. 

Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong Hội nghị trực tuyến sáng nay. 

Thủ tướng: Cần chống dịch tả lợn như chống giặc

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Hải Phòng

Không để người dân “quay lưng" với thịt lợn sạch

Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu ra một số câu hỏi để các đại biểu thảo luận. Đó là tại sao dịch lại bùng phát từ 1 tỉnh, 2 tỉnh đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng cho dù chúng ta đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Nguyên nhân thật sự ở chỗ nào, do khâu nào? Có hiện tượng người chăn nuôi che giấu dịch bệnh không? Giải pháp tới là gì? Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng số lượng vận chuyển lợn từ bắc vào nam, có phải đây là nguyên nhân dịch đi sâu vào các tỉnh phía nam hay không?

Thủ tướng cho rằng, cần kiểm soát tốt việc vận chuyển này chứ không phải ngăn chặn hoàn toàn. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn đường dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp đủ hóa chất cho khử trùng tiêu độc,  đề xuất kịp thời hơn các giải pháp cụ thể cho từng địa phương thay vì chỉ có giải pháp chung cho cả 63 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan truyền thông phải làm tốt công tác thông tin, thuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh, đặc biệt là không hoang mang, bán tháo lợn. Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

“Bộ Thông tin và Truyền thông phải tuyên truyền mạnh mẽ vấn đề này. Một là không quá lo lắng về dịch bệnh này, thứ 2 là không quay lưng với thịt lợn đang sạch, tốt ở phần lớn các địa phương hiện nay. Không thể vì dịch mà ngừng chăn nuôi. Nếu chúng ta hủy đàn lợn không có dịch thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất rất lớn. Cả nước chỉ có 202 hộ, 4.321 con lợn bị tiêu hủy thôi, có phải nhiều đâu. Chỉ 7 tỉnh/63 tỉnh, thành cả nước bị, và mỗi tỉnh chỉ vài thông thôi. Nhưng trách nhiệm trước quốc tế, quốc dân đồng bào chúng ta công bố dịch. Nếu tuyên truyền không tốt chúng tay quay lưng lại với thịt lợn hiện nay thì thật là nguy hiểm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên lợn với tỷ lệ chết lên đến 100%. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người dân không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

"Khác với bệnh cúm, tả lợn châu Phi không lây trực tiếp sang người, nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu khuẩn... Đây là những bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi tiếp xúc và sử dụng sản phẩm chưa được nấu chín", ông Phu cảnh báo.

Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017.

Hiện nay, cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn là 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 49% tổng đàn. Số trang trại chăn nuôi lợn là 10.167 trang trại (năm 2017) với tổng số là 14,4 triệu con lợn, chiếm tỷ lệ 51% tổng đàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Cần chống dịch tả lợn như chống giặc