Thủ tướng: Các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối

Xuân Lan| 17/05/2017 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng ta sẽ xây dựng được một hệ sinh thái lành mạnh mà ở đó các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối, hỗ trợ nhau đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho VN”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị Thủ tướng CP với DN (17/5).

Tin tưởng DN đem đến ‘bình minh rực sáng” cho đất nước

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm và khẳng định cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.  Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải.

Thủ tướng: Các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối

Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần

Trước hết, về thể chế chính sách còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định; quy định chưa sát thực tế. Chính phủ khẳng định sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế. Thủ tướng cho rằng, thể chế chính sách về kinh tế cần được tháo gỡ liên tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, dễ áp dụng. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, các hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để chúng ta có môi trường tốt hơn; phấn đấu đứng ở nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách.

Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp... dẫn đến hiện tượng “cò” làm dịch vụ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức gây chậm chễ, khó khăn cho doanh nghiệp; còn tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp còn hạn chế; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây thiệt hại và bức xúc không đáng có cho doanh nghiệp...

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.

Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”...
Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm lĩnh chính địa bàn của mình – thị trường lớn thứ 13 trên thế giới. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nay hàng Việt Nam phải chinh phục thị trường Việt Nam. Nếu quên thị trường này, chúng ta sẽ thất bại. Xu hướng tương lai không cho phép tồn tại quan điểm quản trị trì trệ, không đáp ứng được nhu cầu mới.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng cho biết, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

"Từng công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp"- Thủ tướng đề nghị.

"Tôi nghĩ rằng, bình minh đang đến với đất nước ta. Tôi tin tưởng các bạn - những nhà doanh nghiệp, sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên đất nước Việt Nam thân yêu"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị

Với tinh thần đó, Thủ tướng tin tưởng chúng ta sẽ xây dựng được một hệ sinh thái lành mạnh mà ở đó các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối, hỗ trợ nhau đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. "Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến trong ngày hôm nay", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh giải pháp: Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế.

Thủ tướng: Các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp; Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh,...

Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lợi...
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, nắm vững các quy định... để sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả.

Các hiệp hội cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tiếng nói mạnh mẽ trong phản biện, xây dựng chính sách; xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế

Phát biểu tai Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho rằng, Nghị quyết 35 của Chính phủ là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp an tâm và đầu tư phát triển.

Ở góc độ ngành Kiểm sát, Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, qua chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và qua các vụ án kinh tế, ngành Kiểm sát sẽ quan tâm phát hiện các sơ hở, những bất cập của pháp luật để kiến nghị, bịt những sơ hở, bất cập đó, để ngăn chặn những người lợi dụng sơ hở đó thu lợi bất chính và không công bằng trong thương trường.

Ngành Kiểm sát sẽ kiên quyết với tội phạm, những người làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế-xã hội. Đồng thời quyết tâm bảo vệ doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính, hiệu quả và đúng pháp luật. Ngành Kiểm sát sẽ phấn đấu hạn chế và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế. Chúng tôi cũng nhận thức phải có trách nhiệm bảo vệ những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp mà pháp luật hiện hành chưa cập nhật, cần thiết kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo. Với chức năng của mình, sẽ tăng cường hơn nữa chức năng kháng nghị các bản án dân sự, các bản án hành chính và đặc biệt là các bản án kinh doanh thương mại đối với những bản án không đúng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, của người dân.

Không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự

Đánh giá về công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng còn có nhiều thách thức, trong đó có thể kể đến như khiếu kiện liên quan tới đất đai, môi trường nhất là từ sự cố biển miền Trung, còn tồn đọng 400 vụ khiếu kiện phức tạp liên quan tới đất đai, đòi hỏi sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Hơn nữa, có sự xâm nhập của tội phạm hình sự thông qua lập doanh nghiệp, tạo vỏ bọc, can thiệp vào hoạt động kinh doanh, đe doạ trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng phức tạp (trốn thuế, đa cấp lừa đảo...). Không ít doanh nghiệp lợi dụng sơ hở để trục lợi. Có doanh nghiệp đưa tin vu cáo, sử dụng lưu manh, côn đồ chèn ép doanh nghiệp khác, làm cho môi trường kinh doanh bị méo mó; gây phức tạp về an ninh, trật tự...

Trước thực tế này, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự; tập trung triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm kinh tế... góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp...

Bộ Công an cũng đề nghị doanh nghiệp trong phạm vi của mình cần tích cực với các cấp chính quyền giải quyết khiếu kiện; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chấm dứt vi phạm về xe quá khổ quá tải, đảm bảo an ninh an toàn phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, mong muốn doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, đồng hành cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng và kết nối