Thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; Luật PPP

Quốc Huy| 18/06/2020 15:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát

Với 450/452 đại biểu có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 93,17%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Nghị quyết, việc phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại và điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 như sau:

Phân bổ 5.370.580 triệu đồng (năm triệu, ba trăm bảy mươi nghìn, năm trăm tám mươi triệu đồng) vốn viện trợ không hoàn lại của ngân sách trung ương năm 2018 cho các bộ, cơ quan Trung ương theo danh mục tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.

Thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; Luật PPP

Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 của Bộ Tài chính số tiền 1.991.061 triệu đồng (một triệu, chín trăm chín mươi mốt nghìn, không trăm sáu mươi mốt triệu đồng).

Nghị quyết cũng phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, cụ thể:

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029.177 triệu đồng (một tỷ, tám trăm tám mươi triệu, không trăm hai mươi chín nghìn, một trăm bảy mươi bảy triệu đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791.887 triệu đồng (một tỷ, tám trăm sáu mươi chín triệu, bảy trăm chín mươi mốt nghìn, tám trăm tám mươi bảy triệu đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019.

Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng (một trăm năm mươi ba triệu, một trăm mười nghìn, bốn trăm linh ba triệu đồng), bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 110.689.303 triệu đồng (một trăm mười triệu, sáu trăm tám mươi chín nghìn, ba trăm linh ba triệu đồng); vay ngoài nước 42.421.100 triệu đồng (bốn mươi hai triệu, bốn trăm hai mươi mốt nghìn, một trăm triệu đồng).

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng (hai trăm tám mươi tư triệu, tám trăm linh sáu nghìn, một trăm chín mươi bảy triệu đồng).

Nghị quyết quy định rõ: Giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra. Hàng năm, khi trình quyết toán phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán các năm trước.

UBTVQH, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Quy định thẩm quyền quyết định đầu tư PPP

Với 448/456 đại biểu có mặt tán thành (92,75%), Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Luật này quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; Luật PPP

Các đại biểu biếu quyết thông qua Luật PPP

Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; Y tế; giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định như sau: Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này; trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng; Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư tại khoản 1 và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với từng lĩnh vực tại khoản 2 Điều này.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP: Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP đối với dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này.

Phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này.

Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng; Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP

Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây:  Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây: Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

Dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên;  Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Luật cũng quy định thẩm quyền đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; Luật PPP