Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?

Quốc Huy| 24/04/2015 16:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công bố về chỉ số chỉ số cải cách quản trị công (PAPI ) cấp tỉnh năm 2014 cho thấy, tham nhũng vẫn diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực nhưng việc kiểm soát chưa hiệu quả, thậm chí còn hạn chế hơn so với 3 năm trước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phần từ người dân khi khảo sát có đến 56% người được hỏi cho biết không tố cáo tham nhũng vì không được lợi ích gì.

Tham nhũng và hối lộ chưa giảm

Theo báo cáo, năm 2014, các chỉ số nội dung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân đạt tiến bộ không đáng kể. Trung bình, chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và thông báo công khai về ngân sách ở quận, xã mình. Công khai, minh bạch vẫn còn hạn chế. Hiệu quả thực hiện các cơ chế giải trình với người dân ở cấp tỉnh có cải thiện nhưng không đáng kể qua 4 năm. Đánh giá hiệu quả huy động sự tham gia của người dân ở cấp tỉnh năm 2014 so với năm 2013 thì Quảng Ninh, Lào Cai, Cà Mau tăng điểm nhiều nhất, giảm điểm nhiều nhất là Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai.

Đáng chú ý, tình trạng người dân vẫn phải “lót tay” để xin việc vào cơ quan nhà nước khá phổ biên (49%), làm thủ tục liên quan đến sổ đỏ (33%), làm thủ tục xin cấp phép xây dựng (26%), khám chữa bệnh ở bệnh viện công cấp huyện (43%), để học sinh tiểu học được quan tâm hơn (30%). Có đến 23% phản ánh về tình trạng dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng. Nhưng vẫn có đến 56% người được hỏi không tố cáo tham nhũng vì cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì. Nhất là, khả năng chịu đựng sự “vòi vĩnh” của cán bộ, công chức trong dân gia tăng theo thời gian.

Cuối cùng, người dân tham gia khảo sát hầu như không ghi nhận được tiến bộ gì trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng. Thay đổi lớn nhất so với khảo sát lần trước là có nhiều người trả lời đồng ý rằng tham nhũng và hối lộ là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh. Mặc dù có những chỉ đạo từ cấp cao nhất nhưng kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, tập quán tham nhũng dù nhỏ vẫn còn tồn tại dai dẳng và tình hình tham nhũng và hối lộ trong khu vực công vẫn còn là vấn đề thường trực và có xu hướng gia tăng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Lỗi từ cả hai phía

Theo ông Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết, tham nhũng không giảm do lỗi từ hai phía. Chỉ số kiểm soát tham nhũng không có chuyển biến là lỗi từ cả hai phía. Chính quyền phải minh bạch thông tin như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội cần phải minh bạch ai là người ra quyết định, ai là người triển khai, cây chặt ở đâu… đồng thời, cương quyết hơn nữa để phát hiện, trừng phạt tham nhũng.

Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?

Tiếp nhận hồ sơ hành chính

Người dân không biết rõ vì sao cây xanh bị chặt, ai ra quyết định, gỗ đi đâu và sự trừng phạt đó chúng ta thấy không nhiều. Phải nói rằng chừng nào thông tin còn rất mù mờ thì chừng ấy tham nhũng vẫn nảy nở. Chỉ khi nào người dân giám sát được thì lúc đó tham nhũng mới không xảy ra. Về phía người dân cũng có lỗi theo nghĩa thờ ơ, không đứng ra tố cáo, lên tiếng. Chỉ khi chính quyền và người dân kết hợp được với nhau thì mới đẩy lùi được tham nhũng.

Tại cuộc họp báo Thanh tra Chính phủ mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng nhận định, Báo cáo hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014 cho rằng tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là phù hợp với đánh giá nhận định các cơ quan chức năng, thẩm quyền của Việt Nam. Do đó, trong lần tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN tới đây, các cơ quan chức năng phải rà soát lại hệ thống các biện pháp phòng ngừa, các thiết chế phát hiện, các chế tài xử lý tham nhũng. Bắt đầu từ việc sửa đổi Bộ luật hình sự, TTCP đang tích cực phối hợp với Ban soạn thảo bổ sung các chế định mới làm nền tảng cho việc hình thành Luật PCTN sau này.

Thu hồi tài sản là vấn đề lớn liên quan không chỉ đến pháp luật hình sự mà các hệ thống pháp luật khác, nhất là tố tụng hình sự và thiết chế, thể chế quản lý thu nhập, tài sản. TTCP cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, có phần nguyên nhân do quy định pháp luật hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng nên tổ chức thực thi còn yếu. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Bộ luật hình sự, TTCP tham gia Tổ biên tập và có đề cập 2 điểm để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. Đó là xác định thời điểm hoàn thành tội phạm sớm hơn để việc phát hiện, xử lý sớm hơn tránh chuyện tẩu tán và che giấu tài sản; đơn giản hóa hơn cấu thành tội phạm tham nhũng để cân bằng với trách nhiệm chứng minh phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tế thời gian qua, khâu chứng minh, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, trục lợi, tài sản rất khó xác định nguồn gốc truy nguyên, lãnh đạo TTCP cho biết.

Khuyến khích người dân đấu tranh chống tham nhũng

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho rằng, ý kiến của người dân về chỉ số kiểm soát tham nhũng theo công bố cũng phù hợp với đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; đánh giá của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Giám sát của Quốc hội, HĐND về công việc này cũng cho thấy, tham nhũng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, là nguy cơ cần phải tiếp tục có giải pháp mạnh hơn nữa để hạn chế, đẩy lùi.

Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhưng thực tế là làm thế vẫn chưa đủ. Như có quy định về việc kê khai tài sản, nhưng khâu kiểm soát thế nào, kiểm tra ra sao thì đang rất lúng túng. Vậy nên cần phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp từ quy định pháp luật đến tổ chức thực hiện.

Cũng theo TS Đinh Xuân Thảo, bên cạnh đó cần làm thế nào để khuyến khích người dân thực sự đấu tranh chống tham nhũng thì mới ngăn chặn được tham nhũng. Chẳng hạn như khi có người nhà bị bệnh nặng phải vào viện buộc phải đưa hối lộ, nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành nếu đưa hối lội rồi tố cáo thì cũng phạm tội bị xử, thế nên người dân dù có bị “vòi vĩnh”, “đòi hối lộ” cũng không muốn tố cáo. Tất nhiên, nếu người nào chủ động đưa hối lộ để chạy chức, chạy quyền thì phải xử, nhưng trường hợp buộc đưa hối lộ mà người ta tố cáo bản thân họ không chịu trách nhiệm hình sự.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?