UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Mai Thoa| 12/05/2015 16:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 12/5, UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, có nhiều nội dung như thời hiệu thừa kế, quyền nhân thân của cá nhân, hay bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình được nhiều đại biểu tập trung thảo luận.

UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp

Bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình

Về bảo vệ quyền lợi người thứ 3 ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu (Điều 133), dự thảo BLDS bổ sung quy định về bảo vệ người thứ 3 ngay tình khi tài sản là của giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật Quốc hội (UBPL) nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật, vì quy định như vậy góp phần bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao dịch dân sự; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên, UBPL đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong trường hợp này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu.

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cũng nhận định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thứ 3 ngay tình là hết sức cần thiết, vì nhiều người dân khi tham gia các giao dịch dân sự nhưng không biết được rủi ro tiềm ẩn. Nhưng nếu như chúng ta chỉ bảo vệ người ngay tình mà không bảo vệ người chủ sở hữu hợp pháp là cũng không hợp lý. Vì vậy cần quy định rõ từng trường hợp cụ thể, vì thực tế, có nhiều trường hợp đất của ông A nhưng ông B được cấp sổ đỏ dẫn đến tranh chấp, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 mà không để ý đến chủ sở hữu hợp pháp sẽ không hợp lý.

UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN) 

Về hình thức sở hữu, dự thảo BLDS dự kiến hai phương án: Thứ nhất, quy định 3 hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung. Đa số ý kiến trong UBPL tán thành với phương án 1 và cho rằng, bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập để phù hợp với Hiến pháp và tính chất quan trọng của hình thức sở hữu này trong quan hệ dân sự. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ nguyên tắc quyền, trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng các tài sản thuộc sở hữu toàn dân đối với chủ thể trong quan hệ dân sự.

Ở góc độ thực tiễn, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho biết, hiện nay xác định vị trí pháp lý hộ gia đình trong quan hệ dân sự là điều rất khó. Tài sản hộ gia đình có hai loại hình sở hữu là sở hữu theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Nếu thiết kế theo dự thảo Bộ luật hiện nay, các chủ thể tham gia với tư cách cá nhân thì sẽ bị vướng.

Về điều chỉnh hợp đồng, do thay đổi hoàn cảnh cơ bản, dự thảo bổ sung Tòa án có thể ra quyết định sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng, khi hoàn cảnh mà các bên dựa vào đó để giao kết đã thay đổi cơ bản. UBPL đề nghị cân nhắc quy định này.

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cũng đề nghị không quy định như vậy, vì việc giao kết hợp đồng là tự do ý chí, tự do thỏa thuận giữa các bên, Tòa án chỉ công nhận hay không công nhận hợp đồng đó là hợp pháp, xử lý hậu quả tranh chấp... Nếu giao Tòa án sửa hợp đồng tức là can thiệp vào ý chí của chủ sở hữu, vi phạm quyền tự định đoạt của các bên dân sự.

Cần quy định về thời hiệu thừa kế

Về thời hiệu khởi kiện, dự thảo Bộ luật đã sửa đổi quy định về thời hiệu theo hướng, bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, chỉ còn thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. UBPL đề nghị giải trình rõ việc bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự; nếu bỏ thời hiệu khởi kiện có dẫn tới một giao dịch dân sự có thể xảy ra tranh chấp vào bất kỳ thời điểm nào hay không, trong khi đó, thời hiệu yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu đang được quy định tại Điều 162 BLDS.

UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Về thời hiệu thừa kế, dự thảo Bộ luật đưa ra hai phương án: Thời hiệu để người thừa kế xác nhận quyền thừa kế của mình, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế; thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hiệu mà người thừa kế không có yêu cầu về chia di sản thừa kế thì phần di sản của người này thuộc sở hữu chung theo phần của những người thừa kế khác cùng hàng theo pháp luật.

UBPL nhận thấy, cả hai phương án này không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bởi vì, tài sản thừa kế có thể đang do một hoặc nhiều người quản lý, sử dụng, xử lý như thế nào chưa được dự thảo BLDS giải quyết.

Các ý kiến cũng đề nghị cân nhắc khi bỏ quy định này vì đây là vấn đề thực tiễn vướng mắc. Thời hiệu chia thừa kế 10 năm, hết 10 năm rồi thì xử lý tài sản sẽ ra sao? Vì vậy, cần phải có thời hiệu nhất định, chứ không thể áp dụng quyền thừa kế đó vô hạn. Vì thời hạn càng dài, đối tượng hưởng thừa kế sẽ tăng lên theo thời gian, rất khó khăn.

Một nội dung quan trọng nữa là quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, dự thảo Bộ luật quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

UBPL cho rằng, việc sử dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp, vì đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có sự thay đổi cơ bản theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định của Luật Ngân hàng. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn cơ sở lý luận thực tiễn của việc sửa đổi mức lãi suất từ 150% lên 200%.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định về lãi suất cơ bản theo Điều 483 là vấn đề khó, phức tạp. Lãi suất cơ bản hiện nay chỉ là một khái niệm “ép buộc” trong Luật Ngân hàng, vì thực tế không có lãi suất cơ bản. Các nước cũng không có quy định này. Vậy chúng ta lấy gì để làm thước đo xử lý vi phạm? Theo ông Nguyễn Văn Giàu, có thể lấy lãi suất bình quân lại làm chuẩn để xử lý người cho vay nặng lãi chẳng hạn...

Tuy nhiên, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đề nghị làm sao cho có cơ sở để Tòa án giải quyết các vụ án. Vì hiện nay đang vướng ở chỗ, BLDS hiện hành quy định: Lãi suất cho vay không được quá 150%, trong khi đó tổ chức tín dụng thì lãi suất cho vay được phép thỏa thuận nên đang có mâu thuẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nên có hai phương án để Quốc hội cho ý kiến. Chúng ta hiện nay đang có sự không phù hợp giữa các Luật, đó là BLDS, BLHS, Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng quy định khác nhau.

Về quyền nhân thân của cá nhân, UBPL đề nghị cân nhắc những vấn đề như: Các quy định về tên đệm của cá nhân; tên và chữ đệm của người nước ngoài thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt; các quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân... cần làm rõ hơn nội hàm của từng quyền; còn về xác định lại giới tính, dự thảo đã đưa ra hai phương án để chuyển đổi giới tính. Việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền này không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hay có công nhận hôn nhân đồng giới hay không? Có phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Bộ luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)