Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình (Hà Nội)

Nguyễn Sự| 10/05/2015 06:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, thông báo nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Sau khi lắng nghe dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII, cử tri đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Quốc hội. Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, cử tri đề nghị cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, làm rõ nhiệm vụ của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nhiều cử tri chưa hài lòng về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, cho rằng mục tiêu đề ra chưa đạt được, cần thực hiện triệt để, công khai biện pháp kê khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Cử tri nêu ý kiến cần quản lý chặt chẽ tiền lương và các khoản phụ cấp khác thông qua ngân hàng để kiểm soát thu nhập, phòng chống tham nhũng; bên cạnh đó, cần có kế hoạch chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thu hút người giỏi vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình (Hà Nội)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri  tại quận Tây Hồ. Ảnh:TTXVN

Quan tâm theo dõi Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XI), cử tri hoan nghênh, phấn khởi về phương án chuẩn bị nhân sự khóa XII, về các tiêu chuẩn đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; mong muốn thực hiện cho bằng được các tiêu chuẩn đó để sắp tới có một Ban Chấp hành Trung ương đoàn kết thống nhất, trong sạch vững mạnh. Đánh giá cao bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, trong đó có đoạn nhấn mạnh cần kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm..., nhiều cử tri mong muốn Đảng ta sẽ tăng cường chỉ đạo để thực hiện cho bằng được mục tiêu này.    

Liên quan đến công tác cán bộ cử tri cho rằng, cần chú ý cán bộ đầu ngành, mạnh dạn đổi mới trong công tác tuyển chọn để thu hút những người có đủ đức, đủ tài tham gia trong bộ máy Nhà nước, có như vậy mới vận hành, đưa đất nước tiến lên được. Bên cạnh đó, cần bảo đảm đời sống, điều kiện, phương tiện để cán bộ yên tâm làm việc, cống hiến.  

Bày tỏ phấn khởi về kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, cử tri cũng lo ngại về tình trạng nhập siêu tăng trở lại, xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm sút, đầu ra cho nông sản gặp khó khăn, như tình trạng dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu, hành tím bà con thu hoạch về không bán được... Trong khi năng lực sản xuất tốt thì tại sao không xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, cử tri đặt câu hỏi. Hiện nay, với 80% doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và vừa, đa số chủ doanh nghiệp trong độ tuổi thanh niên, cử tri cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, hàng ngoại thâm nhập ngày càng nhiều, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ từ phía người dân mà các nhà máy, xí nghiệp sản xuất phải làm ra ngày càng nhiều hơn các sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ. Cử tri cũng đề cập nhiều vấn đề bức xúc hiện nay, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng án oan sai...

Trước diễn diễn phức tạp của tình hình Biển Đông, cử tri cho rằng Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển. Một số cử tri đề nghị, cần rà soát, có biện pháp tích cực thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, không để người có công không được hưởng chế độ, chính sách...  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp phong phú, xác đáng của cử tri, đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và thiết thực đối với đời sống nhân dân. Đây là những ý kiến hết sức quí báu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, xuất phát từ nhiệt huyết, mong muốn đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

Trước sự quan tâm của cử tri về nội dung, kết quả Hội nghị Trung ương 11 khóa XI, đặc biệt là phương hướng công tác chuẩn bị nhân sự khóa XII, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cán bộ là công việc hết sức hệ trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, then chốt của then chốt, là công việc gốc của Đảng. Tình hình đất nước sắp tới, bên cạnh thuận lợi còn rất nhiều khó khăn phức tạp, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá nước ta, đòi hỏi Đảng ta hơn bao giờ hết phải thực sự trong sạch vững mạnh. Muốn Đảng mạnh trước hết cơ quan lãnh đạo phải mạnh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu phải gương mẫu, phải được dân tin yêu...; phải làm từng bước theo một quy trình chặt chẽ, quan trọng nhất là phải theo nguyên tắc của Đảng, đúng Điều lệ Đảng... Các tiêu chuẩn đưa ra vừa rồi là trên cơ sở tổng kết nhiều nhiệm kỳ, suốt từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Cách làm cũng phải chặt chẽ, có đổi mới, vừa dân chủ, vừa tập trung.

Tổng Bí thư mong muốn cử tri cùng đồng lòng nhất trí, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, làm tốt cả phòng và chống, cùng với xử lý nghiêm để răn đe thì việc minh bạch, công khai tài sản của cán bộ công chức là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Về đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến cả hệ thống chính trị, mới và khó, ý kiến còn rất khác nhau, đã thảo luận nhiều lần. Vừa rồi, Trung ương quyết định thực hiện theo Điều 110 Hiến pháp, tất cả chính quyền các cấp đều bao gồm HĐND và UBND. Trong dư luận tuyệt đại đa số đồng tình theo hướng này, ở đâu có chính quyền thì ở đó phải có sự giám sát của nhân dân, đây là giám sát của một cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, cơ quan quyền lực do dân bầu ra, là sự kết hợp Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Cái chính là phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động HĐND, phải cải tiến, đổi mới, nội hàm hoạt động của HĐND ở đô thị khác ở nông thôn, hải đảo, khu kinh tế đặc biệt, thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại HĐND, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Điều quan trọng nhất là làm sao cho HĐND hoạt động thực quyền hơn, đừng có hình thức. Muốn thế, bản thân HĐND phải được bố trí những cán bộ có trình độ, phải có cơ chế, bộ máy giúp việc tinh, giỏi, có phương tiện làm việc đầy đủ, thuận lợi... để thực hiện tốt chức năng giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức, tổ chức hoạt động của UBND; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đại diện các thành phần, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực. Một nguyên tắc rất cơ bản là chính quyền của ta là chính quyền do dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thay mặt dân quản lý.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trao đổi với cử tri về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành; về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình (Hà Nội)