Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm

06/10/2012 19:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 6-10, trong phiên họp thứ 12, UBTVQH đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đây là một nội dung thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, được đông đảo nhân dân, cử tri cả nước quan tâm.

Theo Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này của Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra tán thành việc chia 4 mức để đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm vì cho rằng việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm; đồng thời cũng tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm” (bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”).

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH sẽ trình Quốc hội, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm

Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP

 

Qua thảo luận, các thành viên trong Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng: Dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được xây dựng công phu, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.

Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định và phân cấp thẩm quyền việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cho cả Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định này, tạo điều kiện để việc lấy phiếu tín nhiệm được tập trung, tránh dàn trải và hình thức.

Đa số ý kiến đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hằng năm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4. Cũng qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp thì UBTVQH sẽ trình Quốc hội, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp ngay lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm mà mức độ tín nhiệm quá thấp, sẽ xem xét bỏ phiếu tín nhiệm ngay, không cần đợi kết quả lấy phiếu tín nhiệm của năm tiếp theo.

Dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục được cơ quan soạn thảo hoàn thiện, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cơ quan thẩm tra cần tách biệt rõ khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm này chỉ có ý nghĩa thăm dò, nhằm đánh giá cán bộ đó trong việc hoàn thành nhiệm vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chứ không liên đới đến các chức vụ khác trong hệ thống chính trị của những người này.

Cũng trong chiều nay, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủ đô được UBTVQH thảo luận như biểu tượng thủ đô, danh hiệu công dân danh dự thủ đô, vấn đề quản lý dân cư, xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành và chính sách, cơ chế về tài chính cho thủ đô.

Góp ý với cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần cụ thể, dứt khoát các nội dung đã lấy ý kiến, bàn thảo kỹ như biểu tượng của Thủ đô; Danh hiệu Công dân danh dự của Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Luật cần quy định theo hướng các Bộ, ngành quy chuẩn riêng cho Thủ đô trên mọi lĩnh vực: Giáo dục, xây dựng, văn hóa…Luật cũng cần có cơ chế đảm bảo quản lý tốt dân cư trong nội thành tương ứng với cơ sở hạ tầng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc áp dụng hình thức xử phạt quy định mức phạt tiền cao hơn 2 lần so với quy định chung đối với 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai và xây dựng trên địa bàn Thủ đô là cần thiết để duy trì trật tự chung.

Theo dự kiến, Dự thảo Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới.

P. Lan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm