Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch triển khai Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

24/04/2013 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch triển khai Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa

Mục đích và yêu cầu đặt ra đối với kế hoạch này là xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; triển khai có hiệu quả các quy định của Công ước và Nghị định thư phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

 

Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phải đồng bộ, phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 

Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch triển khai Công ước Chống tội phạm có  tổ chức xuyên quốc gia

Cảnh sát đặc nhiệm luyện tập chống khủng bố

 

Việc triển khai Công ước và Nghị định thư được tổ chức thực hiện gắn với các chương trình, kế hoạch hành động, phòng chống tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 và các chương trình, kế hoạch hành động phòng, chống tội phạm khác.

 

Cụ thể, tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước, Nghị định thư và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm có liên quan nhằm thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm ở các bộ, địa phương, cơ quan và toàn thể nhân dân.

 

Biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Công ước, Nghị định thư và các văn bản pháp luật có liên quan cho lực lượng trực tiếp đi làm công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

 

Trong đó, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu, quán triệt, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Công ước, Nghị định thư và các văn bản liên quan cho lực lượng trực tiếp đi làm công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

 

Đề nghị TANDTC, VKSNDTC tổ chức quán triệt nội dung của Công ước, Nghị định thư và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tội phạm có liên quan cho lãnh đạo và cán bộ thuộc ngành Tòa án và Kiểm sát; phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước, Nghị định thư và pháp luật Việt Nam có liên quan.

 

Trọng tâm trước mắt là rà soát và hoàn thiện các văn bản

 

Để tổ chức thực hiện toàn diện nội dung Công ước và Nghị định thư trên phạm vi cả nước, giai đoạn 2013-2015, trọng tâm trước mắt là rà soát và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm cho phù hợp với Công ước và Nghị định thư. Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLHS, BLTTHS, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công ước và Nghị định thư.

 

Đồng thời, xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự; tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tăng cường năng lực quốc gia trong thực thi Công ước và Nghị định thư.

 

Xây dựng Đề án nghiên cứu về gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung cho Công ước. Nghiên cứu thiếp lập đầu mối phối hợp, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia thành viên của Công ước và nghị định thư để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến tổ chức, biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị trong phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng theo quy định của Công ước và Nghị định thư.

 

Tích cực tham gia hoặc chủ trì tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thực hiện, đánh giá hiệu quả quá trình triển khai Công ước và Nghị định thư. 

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động bổ sung nhiệm vụ thực thi Công ước và Nghị định thư vào chương trình, kế hoạch công tác của mình.

Đề nghị TANDTC, VKSND căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, xây dựng đề án, kế hoạch, bổ sung nội dung hoạt động để thực hiện kế hoạch này.

 

Giao Bộ Công an là cơ quan thường trực thực hiện Công ước và Nghị định thư, có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi cả nước; là cơ quan đầu mối quốc gia, phối hợp với Bộ Ngoại giao hỗ trợ thông tin về phòng chống tội phạm thuộc phạm vi của Công ước và Nghị định thư với các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực, trừ các tội phạm về tham" nhũng; chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan hữu quan xây dựng quy chế phối hợp, chế  độ báo cáo, trao đổi thông tin, tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu quốc tế liên quan đến thực hiện Công ước và Nghị định thư. 

 

Việc tiếp nhận, thực hiện các yêu cầu về tương trợ tư pháp và yêu cầu các quốc gia thành viên khác tương trợ tư pháp được thực hiện theo quy định của Công ước, Nghị định thư và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thái Vũ

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch triển khai Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia