Thông qua Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Tống Toàn| 25/11/2014 20:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 25/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Theo đó, kể từ ngày 1/2/2015 đến ngày Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Chánh án TANDTC có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của TAND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Thẩm phán TANDTC hết nhiệm kỳ kể từ ngày 1/1/2014 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 1/6/2015. Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp hết nhiệm kỳ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm theo quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trước ngày 30/9/2015.

Nghị quyết này chỉ rõ, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4, Điều 24, Điều 70, Điều 71, Điều 72, khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), theo đề nghị của Chánh án TANDTC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết:

a) Phê chuẩn tổ chức bộ máy; nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TANDTC;

b) Thành lập TAND cấp cao, số lượng TAND cấp cao, quy định thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi TAND cấp cao;

c) Quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán TANDTC;

d) Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia;

đ) Quyết định danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Nghị quyết cũng nêu: Căn cứ quy định tại Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 38, Điều 41, khoản 1 Điều 45, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55, khoản 3 Điều 58. Khoản 3 Điều 73 của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Chánh án TANDTC:

a) Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp;

b) Quyết định thành lập các Tòa chuyên trách trong TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là TAND cấp tỉnh), TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi chung là TAND cấp huyện);

c) Quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các Tòa án quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nghị quyết nêu rõ, căn cứ quy định tại Điều 67, khoản 4 Điều 68 (trừ điểm a và điểm c), khoản 1 Điều 69 (trừ điểm a) và các quy định khác có liên quan của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Chánh án TANDTC có trách nhiệm:

a) Chuẩn bị nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC;

b) Trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp đối với các Thẩm phán TANDTC đã được bổ nhiệm trước ngày 1/6/2015 nhưng không được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC theo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi);

Thẩm phán TANDTC đã được bổ nhiệm trước ngày Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có hiệu lực đã có thời gian làm Thẩm phán TANDTC dưới 5 năm nay được bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp thì được coi là đã giữ ngạch Thẩm phán cao cấp đủ 5 năm.

Thông qua Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quyết nghị,  thì kể từ ngày 1/6/2015:

1. Hội đồng Thẩm phán TANDTC chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC được thành lập theo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thực hiện.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC; Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương xét xử bằng Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán theo quy định của các luật tố tụng hiện hành.

Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC với Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán, của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương với Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán được thực hiện khi có quy định của các luật tố tụng mới.

2. Các Tòa phúc thẩm TANDTC chuyển giao thẩm quyền xét xử phúc thẩm; các Tòa Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Lao động, Hành chính của TANDTC, các TAND cấp tỉnh, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh chuyển giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho các TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao thực hiện.

3. Các Tòa án quân sự quân khu hoặc tương đương, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu hoặc tương đương chuyển giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTHS hiện hành cho Tòa án quân sự Trung ương, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương.

Các Tòa án quân sự tiếp tục thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS, quy định tại các điều 3, 4, 5, khoản 1 Điều 26 và khoản 2 Điều 29 của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự cho đến khi có quy định của BLTTHS mới thay thế các quy định hiện hành này phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

4. Chánh án TANDTC có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án gồm cả TAND cấp cao.

Chánh án TAND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Chánh án Tòa án quân sự Trung ương có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.

5. Thẩm quyền xét xử của Tòa Gia đình và người chưa thành niên được thực hiện theo quy định của các luật tố tụng mới.

6. Đối với những bản án, quyết định của TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương nhưng trước ngày 1/6/2015 mà vụ án chưa được xét xử thì giao cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

7. Đối với những bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa Hình sự, Dân sự, Hành chính, Kinh tế, Lao động TANDTC nhưng trước ngày 1/6/2015 mà vụ án chưa được xét xử thì giao cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

8. Đối với những bản án, quyết định của Tòa phúc thẩm TANDTC, những quyết định của các Tòa Hình sự, Dân sự, Hành chính, Kinh tế, Lao động TANDTC, của Tòa án Quân sự Trung ương đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng trước ngày 1/6/2015 mà vụ án chưa được xét xử thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiếp tục xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

9. Đối với những bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị trước ngày 1/6/2015 mà TAND cấp tỉnh chưa chuyển hồ sơ hoặc đã chuyển hồ sơ cho Tòa phúc thẩm TANDTC nhưng chưa được giải quyết thì giao cho TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

10. Đối với các đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu nhưng trước ngày 1/6/2015 mà chưa được giải quyết thì giao cho TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ, Tòa án quân sự Trung ương giải quyết.

11. Đối với các đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC nhưng trước ngày 1/6/2015 mà chưa được giải quyết thì giao cho TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết.

12. Đối với các đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa phúc thẩm TANDTC, các Tòa chuyên trách của TANDTC, Tòa án quân sự Trung ương theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC nhưng trước ngày 1/6/2015 mà chưa được giải quyết thì TANDTC tiếp tục giải quyết.

13. Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp được hưởng chế độ lương và phụ cấp của Thẩm phán TANDTC theo quy định pháp luật hiện hành cho đến khi có chế độ lương và phụ cấp mới.

Cuối cùng, Nghị quyết của Quốc hội nêu ra yêu cầu:

1. TANDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan đến Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền; đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)