Thống nhất điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương

Mai Thoa| 11/03/2015 15:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 11/3, UBTVQH đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), Đông Triều (Quảng Ninh), TP. Bắc Kạn (Bắc Kạn), thành lập huyện Ia H’Drai (Kon Tum).

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới và miền núi. Thảo luận vấn đề này, đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều đồng tình về mục tiêu này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, đây là lần đầu tiên, UBTVQH thực hiện thẩm quyền quyết định việc nâng cấp, chia tách đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh theo Hiến pháp năm 2013. Trước đó, thẩm quyền này thuộc Chính phủ. Thực tế cũng đã có một số trường hợp chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nhưng xét thấy sự cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh nên Chính phủ vẫn đồng ý nâng cấp hoặc chia tách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ việc nâng cấp đô thị và thành lập huyện mới ở cả 4 đề án do Chính phủ trình. Việc thành lập huyện mới và nâng cấp đô thị chắc chắn sẽ tốn nhiều kinh phí để đầu tư và thêm biên chế, nhưng lại giúp kinh tế-xã hội phát triển, phù hợp với quy hoạch chung. Thực tế cho thấy, tất cả các địa phương sau khi được chia tách đều phát triển mạnh hơn, thậm chí có tỉnh sau khi được tái lập còn phát triển hơn so với tỉnh lỵ cũ.

Thống nhất điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, UBTVQH cần ban hành Bộ tiêu chuẩn mới về việc chia tách, thành lập mới, sáp nhập đơn vị hành chính và nâng cấp đô thị thuộc thẩm quyền theo Hiến pháp năm 2013. Bộ tiêu chuẩn này không nên áp dụng cứng nhắc mà phải phù hợp với đặc điểm của các địa bàn, vùng miền khác nhau. Ví dụ, việc xây dựng nhà tang lễ ở các đô thị như Hà Nội là rất cần thiết, người dân cũng đồng tình. Nhưng ở Lâm Đồng mà yêu cầu xây dựng nhà tang lễ chung là không phù hợp, vì người dân có quan niệm phải làm lễ tang cho người thân ở gần nhà thì mới tình cảm.

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập mới huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, nhiều ý kiến cho rằng, đây là địa phương có diện tích lớn, nằm ở khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia, cũng là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú từ lâu đời, đồng thời có tiềm năng phát triển kinh tế nên việc thành lập là cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần tính toán tới vấn đề di cư tự do, di dân khi thành lập huyện mới, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn. “Đề nghị tỉnh Kon Tum quan tâm đến bảo tồn rừng Mơ Rai, đây là rừng nguyên sinh, nằm ở huyện Sa Thầy nhưng kề ngay vùng này. Muốn khai thác rừng Mơ rai phải qua huyện này thì rừng có nguy cơ bị tàn phá. Hiện nay vấn đề di cư tự do, di dân nếu không tổ chức chặt chẽ thì sẽ tàn phá tài nguyên, đất đai sinh ra vấn đề an ninh trật tự xã hội, vì vậy đề nghị cần tăng cường đại đoàn kết dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh.

Thống nhất điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phát biểu ý kiến

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cũng đồng tình và cho rằng, việc tách huyện Sa Thầy để thành lập huyện mới Ia H’Drai là cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một nửa chiều dài đường biên giới với Campuchia trên địa bàn tỉnh Kon Tum là thuộc huyện này, lại nằm gần ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia nên huyện này có vị trí rất quan trọng và có tiềm lực phát triển.

Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đồng tình với việc thành lập huyện mới Ia H’Drai thuộc tỉnh Kon Tum. Ông cho biết ông vừa có chuyến thị sát toàn bộ tuyến biên giới từ Đắk Nông đến Kon Tum và thấy rằng cần thiết phải thành lập huyện Ia H’Drai. Mặc dù sau khi thành lập huyện Ia H’Drai, nguồn lực đầu tư chắc chắn sẽ lớn, nhưng điều đó là cần thiết vì “nếu Nhà nước không đầu tư thì muôn thuở các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ không bao giờ phát triển và đuổi kịp các địa phương khác được”, ông Bế Xuân Trường nói.

Sau khi thảo luận, 100% ủy viên UBTVQH có mặt tại phiên họp đã biểu quyết thông qua việc thành lập thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), thành lập TP. Bắc Kạn (Bắc Kạn) và thành lập huyện Ia H’Drai (Kon Tum).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương