Sửa đổi Luật đầu tư theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp

Quang Vũ| 10/11/2014 21:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tại các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được xin ý kiến đóng góp của các đoàn Đại biểu Quốc hội.

Sửa đổi Luật đầu tư theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phạm Thị Mỹ Lệ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN 

Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) cũng là vấn đề “nóng”, thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nội dung cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hướng đến xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và thuận lợi hơn.

Chỉ còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết; cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.Bên cạnh đó, xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành nghề theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.

Giải thích thêm về dự án Luật trong buổi làm việc sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, dự án luật kỳ vọng sẽ tạo động lực đối với môi trường đầu tư Việt Nam, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo Bộ trưởng, để có được một danh mục tương đối giảm từ 386 xuống còn 272 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như trong dự thảo, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực loại bỏ những quy định bất hợp lý, thủ tục rút gọn để quy định ngày càng minh bạch hơn theo hướng xóa bỏ cơ chế xin, cho.

Đột phá về thủ tục đầu tư

Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị chuẩn hóa thủ tục và nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cần phải cởi mở và thông thoáng hơn.

Nhìn nhận tổng thể dự thảo Luật, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng thời là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc cho rằng, đột phá ấn tượng nhất của dự thảo luật là về thủ tục đầu tư. Theo đại biểu, dự thảo cho thấy, quan niệm đầu tư và kinh doanh bản chất là một, và các nhà đầu tư sau khi đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh có quyền tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh mà không phải làm thủ tục nào cả.

Đánh giá cao ban soạn thảo đã thiết kế một cơ chế " bộ lọc" là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng có ảnh hưởng đặc biệt lớn về môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất...,song đại biểu Vũ Tiến Lộc vẫn băn khoăn vì chưa thấy các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo (trừ dự án trong lĩnh vực dầu khí), dự án sử dụng nhiều năng lượng khan hiếm bị xếp vào diện phải lọc.

“Cần bổ sung thêm các nhóm dự án này vào diện phải xin chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh”, địa biểu đề nghị.

Chủ tịch VCCI cũng đồng tình việc tiếp tục duy trì thủ tục giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để quản lý các dự án nước ngoài ở mức độ tối thiểu, bởi việc này không làm ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư nước ngoài.
Quan tâm đến việc thực thi dự Luật sau ban hành phải đảm bảo cắt gọn về thủ tục, giấy tờ, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, quy định về nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như trong dự thảo chưa đủ mạnh để “chặn” các giấy phép con dễ gây khó khăn cho doanh nghiệp. “

“Cần quy định cụ thể trường hợp nào đủ điều kiện kinh doanh, trường hợp đủ điều kiện kinh doanh có điều kiện trong dự thảo”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ kiến nghị.

Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng đề nghị bổ sung đối tượng thuộc diện ưu đãi đầu tư là những ngành nghề sáng tạo, hàm lượng kỹ thuật cao như sản xuất vật liệu mới, sản phẩm thân thiện với môi trường, kinh tế xanh; đồng thời dự thảo cũng cần có chính sách thu hút việt kiều tham gia đầu tư trong nước và phải có quy định ngăn chặn hành vi chuyển giá.

Giải thích về quyền lợi của nhà đầu tư trong dự thảo mới, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, điểm mới đáng chú ý tại dự thảo lần này là một số quy định thay đổi được áp dụng theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp, nếu thay đổi theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp được giữ nguyên ưu đãi của khi cấp giấy chứng nhận đầu tư trước đây, còn nếu chính sách theo hướng lợi hơn thì doanh nghiệp được hưởng theo hướng có lợi đó. Dự thảo này cũng không áp dụng bất cứ một thủ tục nào đối với tất cả dự án đầu tư trong nước.

"Đây không phải buông lỏng mà chúng tôi đã đối chiếu với tất cả các luật khác. Các luật chuyên ngành đã quy định quá chặt, cụ thể nên không nhất thiết làm lại, để cho thông thoáng, thuận lợi" - Bộ trưởng giải thích.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật đầu tư theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp