Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Mai Thoa| 27/02/2015 15:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục phiên họp thứ 35, sáng nay 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Cần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được đánh giá là rất quan trọng, thể chế hóa quan điểm chủ trương trong Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa nguyên tắc tư pháp trong Hiến pháp 2013, trên cơ sở tổng kết các pháp lệnh trước đây nhằm khắc phục hạn chế của pháp luật hiện hành.

Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong phát biểu ý kiến (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Sáng nay, khi cho ý kiến về dự án Luật này, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định liên quan đến việc bổ sung nhiệm vụ, hình thành tổ chức, chức danh... trong Cơ quan điều tra hình sự được quy định như dự thảo Luật dễ làm bộ máy cồng kềnh, “phình" to.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra quy định trong dự thảo Luật về cơ bản được giữ như mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện hành, có bổ sung một số Cơ quan điều tra ở các cấp và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có một số điểm hạn chế. Đó là không tách bạch được chức năng điều tra theo tố tụng với chức năng điều tra trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với chức năng phòng ngừa xử lý vi phạm hành chính, dễ dẫn đến việc thực hiện trùng lắp các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; ngoài ra, còn có thể dẫn đến việc điều tra, xử lý vụ việc một cách khép kín, thiếu khách quan.

Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày tại phiên họp (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Có ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay còn có sự phân công không hợp lý giữa các Cơ quan điều tra các cấp. Theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng thì Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử các tội có mức hình phạt đến 15 năm tù thì đáng lẽ thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp huyện phải được tăng cường. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được yêu cầu nêu trên mà vẫn quy định theo hướng Cơ quan điều tra của Bộ và Cơ quan điều tra cấp tỉnh vẫn điều tra một số tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, điều này là chưa thật hợp lý.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, dự án Luật có sự chuẩn bị công phu, nhưng chiếu theo mục tiêu lớn về cải cách tư pháp thì chưa đạt yêu cầu; Hạn chế về sắp xếp nội bộ để tinh giảm, đổi mới tổ chức Cơ quan điều tra với cơ cấu yêu cầu công việc...

Cần quán triệt tinh thần thu gọn đầu mối

Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, theo quy định tại dự thảo Luật thì ở cấp Bộ đã bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu; đổi tên Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra thành Cục Cảnh sát quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra; ở cấp tỉnh đã bổ sung Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu; đổi tên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra thành Phòng Cảnh sát quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra; ở cấp huyện đã bổ sung Đội điều tra tổng hợp và không rõ có còn duy trì bộ máy giúp việc Cơ quan Cảnh sát điều tra hay không.

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung Cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần “sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”.  Vì vậy, dự thảo Luật cần đưa ra những tiêu chí cơ bản, căn cứ xác đáng về việc thành lập các Cục, phòng, đội của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân ở mỗi cấp, để trên cơ sở đó quy định một cách hợp lý, sát với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, tội buôn lậu thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thuộc thẩm quyền điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy không cần thiết thành lập thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp Bộ) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp tỉnh).

Về bổ sung quy định Trợ lý điều tra trong dự thảo Luật, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình và cho rằng, các thẩm quyền tố tụng trong giai đoạn điều tra phải được giao cho Điều tra viên và Điều tra viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, còn Trợ lý điều tra không phải là chức danh tố tụng nên không có thẩm quyền trong hoạt động điều tra. Hơn nữa, bổ sung chức danh Trợ lý điều tra làm tăng biên chế và gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh: Trước hết, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó phải quán triệt quan điểm của Đảng là không mở rộng tổ chức mà phải sắp xếp gọn hơn, tinh nhuệ hơn; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; không lợi dụng, lộng quyền...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự