Phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thể chế vai trò “đại đoàn kết dân tộc” trong Luật

17/04/2013 11:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục phiên họp thứ 17, hôm qua 16/4, UBTVQH đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) sửa đổi. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì phiên họp.

Vai trò “đại đoàn kết dân tộc”

 

Trong quá trình thảo luận có ý kiến băn khoăn, đề nghị làm rõ đối tượng điều chỉnh của dự án Luật là MTTQ Việt Nam với tư cách là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các thành viên hay chỉ quy định về cơ quan của tổ chức này là Ủy ban MTTQ Việt Nam. 

 

Phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thể chế vai trò “đại đoàn kết dân tộc” trong Luật

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp

 

Thường trực Ủy ban PLQH cho rằng, MTTQ Việt Nam là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện cho nên tự bản thân MTTQ Việt Nam không thể hoạt động nếu không có cơ quan chấp hành của mình là Ủy ban MTTQ Việt Nam. Đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận thì tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ riêng. Ngoài ra, đối với một số tổ chức chính trị - xã hội, như Công đoàn, Hội Cựu chiến binh... thì còn có văn bản pháp luật riêng quy định.

 

Thường trực Ủy ban PLQH tán thành quy định tại Điều 1 dự thảo luật và đề nghị cơ quan trình dự án Luật cần bám sát các quy định về MTTQ Việt Nam trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là quy định về “đại đoàn kết” toàn dân tộc trong bản thảo mới nhất sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân. 

 

Mặt trận có chức năng phản biện và giám sát?

 

Về chức năng và nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam (Điều 4) là, “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này vì cho rằng tính chất đại diện của Mặt trận là đại diện ở khía cạnh xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước

Về quy định, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Thường trực Ủy ban PLQH đề nghị làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội? Trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, phản biện trong việc thi hành kết luận giám sát, phản biện? Xác định rõ mối quan hệ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước. Ví dụ, trong quy trình lập pháp, phản biện xã hội của Mặt trận ở giai đoạn nào, thủ tục ra sao, nếu không có phản biện của Mặt trận thì dự án Luật có đủ điều kiện để trình ra QH hay không?

 

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo sửa đổi. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau như: vai trò giám sát và phản biện xã hội; chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… để những quy định đó đảm bảo phù hợp với hệ thống chính trị nhà nước ta hiện nay.

 

Kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật. Một số điểm mới cần làm rõ thêm như: chức năng phản biện, đại diện, giám sát… của MTTQ hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị làm rõ và kỹ hơn để chất lượng đảm bảo trước khi đưa ra trình QH vào kỳ họp thứ 6 cuối năm nay.

 

Mai Thoa

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 17 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thể chế vai trò “đại đoàn kết dân tộc” trong Luật