Kinh tế “tăng tốc” để về đích

Mai Phương| 01/10/2014 13:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đều đánh giá nền kinh tế tăng trưởng khá toàn diện theo hướng ổn định, vững chắc; đặc biệt đà tăng trưởng phục hồi rõ nét và đồng đều hơn.

Kinh tế “tăng tốc” để về đích

“Đây là kết quả đáng mừng, tuy nhiên, không được chủ quan, thoả mãn; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra với tinh thần năng động, sáng tạo, sâu sát”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Phục hồi trên tất cả các lĩnh vực

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong 9 tháng qua, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hồi phục với tốc độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước . Nông nghiệp đã khắc phục được các tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh gây ra và đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao và tiếp tục có xuất siêu. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; giá cả thị trường khá ổn định...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét: Tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay tiếp tục có chuyển biến, các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tích cực. Theo đó, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội giao có 13 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch.

Các thành viên Chính phủ cũng nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2014 đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế quý III cao hơn quý I và quý II; tính chung 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với tháng 12/2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dự báo cả năm nền kinh tế cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; trong đó, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% là hoàn toàn khả thi.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cần phải quan tâm khắc phục như: tổng cầu còn yếu; sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn; nợ xấu còn lớn; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; vốn đối ứng còn thiếu; cân đối ngân sách khó khăn, chi thường xuyên ở mức cao và có xu hướng tăng; nợ công tăng nhanh dẫn đến phần ngân sách bố trí trả nợ tăng lên. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh có những mặt, lĩnh vực còn thấp.

Báo cáo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao. Trong khi đó, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn đạt thấp so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2011-2015.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Tại phiên họp, sau khi tập trung thảo luận, làm rõ tất cả các nguyên nhân gây hạn chế, yếu kém, cản trở, làm chậm trễ sự phát triển của nền kinh tế, các thành viên Chính phủ đã đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực trong những tháng cuối năm, phấn đấu phải đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014. Chính phủ cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho năm 2015.

Trong 3 tháng còn lại, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xử lý hiệu quả các hạn chế, khó khăn đang cản trở sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng để đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra cho năm 2014. Đây sẽ là tiền đề cho phát triển và tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 và những năm tới.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh t iếp tục nhất quán mục tiêu đã đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ, hài hoà các chính sách vĩ mô như tiền tệ, tài khoá, đầu tư, thương mại, giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát không chỉ trong năm 2014 mà còn cho những năm tiếp theo nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, ngành ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống. Đồng thời tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng dự trữ ngoại hối; bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công, khả năng trả nợ để đề xuất giải pháp xử lý nợ công. Cùng với đó quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu trên tinh thần không sử dụng ngân sách nhà nước vào xử lý nợ xấu. Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu. Cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), cần có phương án xử lý hiệu quả đối với nợ xấu đã mua và tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Kinh tế “tăng tốc” để về đích

Hoạt động xuất nhập khẩu được coi là điểm sáng trong diễn biến kinh tế 9 tháng qua.

Đối với việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 mà Chính phủ mới ban hành tại Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 13/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế.

Mặt khác, các Bộ, ngành và địa phương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; giảm dần số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Đặc biệt khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó tổ chức có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Một vấn đề cũng được người đứng đầu Chính phủ đề cập đến là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, thuế và hải quan, đất đai, bất động sản, đầu tư, xây dựng... tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Trên cơ sở đó, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 8-10%.

Đối với sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục đ ẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án đầu tư theo đúng tiến độ. Mặt khác, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương còn tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết với các thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán và sắp ký kết nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; giảm mức độ phụ thuộc xuất khẩu vào một thị trường, một đối tác. Đồng thời có biện pháp phù hợp để khuyến khích tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ...

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu t iếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các đột phá chiến lược, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường . Một mặt đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặt khác, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng từ thực tiễn chỉ đạo và đột phá vào các khâu cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và ngân hàng thương mại; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh…; đồng thời với sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, đi vào từng lĩnh vực, từng việc cụ thể, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển động mạnh mẽ, thực hiện cao nhất các mục tiêu Kế hoạch năm 2014 đã được Quốc hội thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế “tăng tốc” để về đích