Kinh nghiệm cho Việt Nam từ những mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả

Mai Thoa| 28/08/2014 20:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hoàn thiện pháp luật cũng như các cơ quan phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian tới từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới là mục tiêu mà Ban Nội chính Trung ương muốn đề cập đến qua Hội thảo được tổ chức hôm nay (28/8).

Những “siêu cơ quan” chống tham nhũng

Hiện tại, một số mô hình phòng chống tham nhũng mà các quốc gia đang áp dụng rất hiệu quả và trở thành ngoại lệ trong bối cảnh chung hiện nay. Indonesia được đánh giá là quốc gia có mô hình thành công hiếm hoi trong các mô hình cơ quan chống tham nhũng tại các quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình. Indonesia đã phát triển mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng ở một phạm vi rộng hơn, đó là trao cả thẩm quyền truy tố bên cạnh thẩm quyền điều tra cho Ủy ban diệt trừ tham nhũng (KPK). Cơ quan này có thể được xem như một “siêu cơ quan” có khả năng thanh toán nạn tham nhũng; thực hiện các nhiệm vụ và thẩm quyền một cách độc lập và không chịu sự tác động của các nhánh quyền lực: Lập pháp, hành pháp hay tư pháp. Hơn nữa, KPK còn có nhiệm vụ điều hành hoạt động phòng ngừa tham nhũng của các cơ quan nhà nước và điều phối những cơ quan đó chung sức trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Kinh nghiệm cho Việt Nam từ những mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả

Quang cảnh buổi hội thảo

Hồng Kông cũng là nước thành công khi áp dụng mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập tương tự như Indonesia. Cơ quan chống tham nhũng của Hồng Kông (ICAC) có đầy đủ ba chức năng như: Phòng ngừa, giáo dục và điều tra; bộ máy này được độc lập về các phương diện cấu trúc bộ máy, nhân sự, tài chính và thẩm quyền với lực lượng cán bộ hùng hậu và được chính quyền hỗ trợ tài chính.

Tuy nhiên, rất ít cơ quan chống tham nhũng theo mô hình phổ quát thành công được như hai nước trên, vì ở đa số cơ quan đó các chức năng thường không được thực hiện một cách đồng đều mà có sự tập trung hơn vào một chức năng nào đó, thường là chức năng giáo dục và nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, với tình hình tham nhũng đáng báo động tại các quốc gia thành lập mô hình cơ quan này thì việc chú trọng các chức năng đó dường như lại thể hiện sự né tránh yêu cầu thực tế của việc xử lý tham nhũng.

Nhiều quốc gia đã lựa chọn hoặc hiện đang cân nhắc việc thành lập một ủy ban hoặc cơ quan độc lập chịu trách nhiệm tổng thể trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc thành lập một cơ quan như vậy không phải làm một liệu pháp kỳ diệu chấm dứt tham nhũng. Sự độc lập của một cơ quan chống tham nhũng được coi là yêu cầu căn bản để đảm bảo tính hiệu quả và cho phép các cơ quan này thoát khỏi những ảnh hưởng của cá nhân hay các yếu tố quyền lực nhằm điều tra những nghi vấn tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp bậc trong xã hội.

Thiết lập những kênh chống tham nhũng

Việt Nam không có một cơ quan độc lập hay chuyên biệt chống tham nhũng mà xây dựng mô hình đa cơ quan phòng chống tham nhũng. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn trước mắt, việc duy trì mô hình đa cơ quan phòng chống tham nhũng như hiện tại là phù hợp. Mô hình đa cơ quan ở Việt Nam cho thấy những đặc thù của bối cảnh Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của cuộc đấu tranh chống tiêu cực, vì vậy, cơ quan Đảng giữ trọng trách chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống tham nhũng.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là cơ quan trực thuộc trực tiếp Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo là Tổng Bí thư và các ủy viên là những người đứng đầu các cơ quan hữu quan. Hơn nữa, vì không nằm trong bộ máy Nhà nước nên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có thể đảm bảo được tính độc lập trong hoạt động của mình. Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có chức năng phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Các đơn vị chuyên trách của Bộ Công an và VKSNDTC giữ vai trò xử lý tội phạm về tham nhũng. Về cơ bản, mô hình này vẫn  phù hợp với điều kiện chính trị và xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, trước hết, ở giai đoạn này, việc cải cách các cơ quan chống tham nhũng sẽ là việc vẫn tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống hiện có.

Bên cạnh đó, cần xác định vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với tư cách là cơ quan đầu mối điều hành, điều phối hoạt động và Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực, tham mưu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Mô hình Ban chỉ đạo Trung ương là sự kết hợp giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với sự phối hợp của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, mô hình cơ quan chỉ đạo và cơ quan thường trực này chỉ có thể phát huy được tác dụng nếu có sự tăng cường về thẩm quyền và sự đầu tư thích đáng về tài chính, về phát triển nhân sự.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để duy trì mô hình hiện tại cần thực hiện cùng với việc phân hóa rõ ràng hơn chức năng và vai trò của từng loại cơ quan: Cơ quan phòng ngừa; cơ quan thực thi pháp luật (gồm đơn vị chuyên trách trong cơ quan điều tra, truy tố và xét xử) để đảm bảo tính đồng bộ, chuyên biệt giữa các cơ quan; đồng thời, có cơ quan điều hành chung và cơ quan giám sát.

Để chống tham nhũng hiệu quả, việc tránh việc lạm quyền của những vị trí chủ chốt trong cơ quan chống tham nhũng là điều cần thiết. Một số quốc gia đã thiết lập nhiều kênh báo cáo hoặc đã dịch chuyển kênh báo cáo sang đại diện của người dân. Song, việc tăng tính độc lập cũng đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát và cân bằng được thiết chế phù hợp nhằm đảm bảo quyền tự chủ, không bị lạm dụng.

Phần lớn các cơ quan chống tham nhũng của các nước áp dụng chiến lược mũi nhọn là phòng ngừa, điều tra và giáo dục (như Indonesia, Hồng Kông, Thái Lan…). Nhiều nước trên thế giới cũng có chung vấn đề liên quan đến việc, làm thế nào để bảo vệ người tố cáo tham nhũng; nỗi lo sợ bị trả thù khi tố cáo tham nhũng... Do vậy, nhiều nước cho phép tố cáo tham nhũng nặc danh và bảo vệ nhân chứng là những yếu tố quan trọng. Ở Hồng Kông đã thành lập ra hẳn những văn phòng khu vực; Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm dành riêng cho tố cáo tham nhũng…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm cho Việt Nam từ những mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả