Không nên xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay

Bình Nguyên| 16/04/2015 22:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 16/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hội nghị được truyền hình trực tiếp đến 63 tỉnh, thành.

Nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất của dự thảo Luật là mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH báo cáo hai phương án để các ĐBQH tiếp tục thảo luận.

Cụ thể, ở phương án 1: Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Phương án 2: Các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 và cho rằng, quy định như vậy nhằm bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta là ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác được tổ chức theo ngành dọc...

Không nên xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy phát biểu ý kiến 

 (Ảnh: Phương Hoa – TTXVN)

Theo ĐBQH Lê Thị Phương Hoa, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, tinh thần và điểm mới của Hiến pháp là chính quyền địa phương là một thể thống nhất, được cấu thành bởi HĐND và UBND. Nếu cơ cấu riêng nguyên tắc hoạt động của HĐND và UBND sẽ thì không phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị, phải làm rõ những điểm giống nhau và khác nhau của từng mô hình ở địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị, hay đơn vị hành chính đặc biệt thì mới chọn được phương án xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp. Theo ĐBQH Thủy, cả hai phương án đều chưa hoàn hảo. Không thể cho rằng chọn phương án bỏ HĐND quận, phường thì bộ máy tinh gọn hơn và phát huy được hiệu quả. Còn nếu chọn phương án 1 thì cũng không khẳng định được sẽ phát huy hiệu quả vì hiện nay hoạt động của HĐND nhất là cấp huyện, xã còn mang tính hình thức nhiều.

Về phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm bảo đảm tính thống nhất của quyền lực Nhà nước, phù hợp với quy định của Hiến pháp (tại các Điều 112, 113 và 114). Việc phân định thẩm quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có sự thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ và các luật chuyên ngành về từng lĩnh vực. 

UBTVQH thấy rằng, quản lý Nhà nước được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương khó có thể liệt kê đầy đủ từng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Luật này chỉ quy định một cách chung nhất phạm vi những vấn đề, những loại việc mà chính quyền địa phương có thể đảm nhiệm được tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư, địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng cần quy định rõ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền nhằm làm cơ sở để các luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính.

Về tổ chức và hoạt động của UBND, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về tổ chức và hoạt động của UBND theo hướng tăng số lượng thành viên UBND và quy định cụ thể số Phó Chủ tịch UBND.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay