Đoàn giám sát của UBTVQH về bảo vệ môi trường: Còn rất nhiều thách thức

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vai trò của thông tin, báo chí là quan trọng

“Cần đưa giải pháp thông tin, tuyên truyền - trong đó có vai trò của các cơ quan báo chí - là khâu quan trọng trong giám sát việc bảo vệ môi trường. Giám sát bảo vệ môi trương là vấn đề cần thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững với mục tiêu đảm bảo thực thi tốt đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật…” - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như vậy tại buổi thảo luận của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đóng góp vào Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT), làng nghề, ngày 21-9 tại Hà Nội.

Nhiều làng nghề đang đối mặt với áp lực môi trường

Rất nhiều bất cập


Mục đích của hoạt động giám sát là đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, làng nghề; đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT và làng nghề trong phạm vi cả nước. Theo đó, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: trong thời gian ngắn, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn.


Theo tổng hợp của Đoàn giám sát, cả nước hiện có 3.597 làng nghề, đã và đang có nhiều đóng góp cho ổn định đời sống nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với các làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ và từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc quản lý và bảo vệ môi trường tại các KKT, làng nghề, tuy nhiên nhiều bất cập chưa được giải quyết.


Việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KKT đã được quan tâm và có những kết quả nhất định, nhưng phần lớn các khu công nghiệp chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có xây dựng nhưng vận hành không thường xuyên, vẫn còn không ít cơ sở chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KKT hiện rất chậm.


Với sự phát triển trong tương lai, nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương đã được kiện toàn một bước. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực này vẫn còn thiếu và yếu về chuyên môn, nhiều người hoạt động kiêm nhiệm, tỷ lệ người được đào tạo cơ bản về lĩnh vực môi trường còn rất thấp.


Nhìn chung, việc chỉ đạo, điều hành trong công tác bảo vệ môi trường tại các KKT chưa thực hiện thường xuyên, triệt để sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thật chặt chẽ và hiệu quả chưa cao, có phần chồng chéo về thẩm quyền và trách nhiệm. Nhiều kết quả thanh tra chưa được xử lý một cách triệt để, mức xử phạt thấp, chưa đủ mức răn đe.


Còn nhiều việc phải làm


Các đại biểu cơ bản thống nhất với những nhận định, đánh giá, đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát, đồng thời bổ sung một số ý kiến để hoàn thiện Báo cáo giám sát, sẽ được thảo luận tại phiên họp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIII trong kỳ họp thứ hai.


Nhiều ý kiến đồng tình, tình trạng đáng báo động về môi trường hiện nay có nhiều nguyên nhân, xuất phát từ ý thức của người dân, chủ doanh nghiệp, thể chế chính sách pháp luật chưa đồng bộ cần dựa vào đặc điểm của từng loại hình để có biện pháp quản lý phù hợp với nguyên tắc dựa trên quyền lợi quốc gia chứ không phải một nhóm lợi ích.


Theo ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bức tranh môi trường các KKT, làng nghề đã được báo chí, dư luận nêu lên nhiều năm nay, tuy nhiên chưa có giải pháp khắc phục căn bản. Theo ông Trường, phải phân tích tận gốc của vấn đề: Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong thực thi chính sách, pháp luật về môi trường; đưa công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường lên hàng đầu… mới mong thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới. “Vai trò của các cơ quan của Quốc hội cũng cần được phát huy tăng cường vai trò giám sát thường xuyên của HĐND các cấp hình thành phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, cùng đó là hoàn thiện pháp luật, bộ máy…” - Ông Trường nhấn mạnh.


Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đoàn giám sát lưu ý 3 vấn đề: Báo cáo cần đánh giá sâu sắc thêm những mặt tốt và những mặt còn hạn chế trong thực thi pháp luật về môi trường, lý giải, làm rõ thêm nguyên nhân để đề xuất những giải pháp phù hợp nêu bật những kiến nghị cơ bản nhất phù hợp với tình hình hiện nay chọn giải pháp đột phá để công tác bảo vệ môi trường các KKT, làng nghề trong thời gian tới tốt hơn.


“Cần đưa giải pháp tuyên truyền là một khâu quan trọng, đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và trực tiếp là địa phương. Giám sát việc bảo vệ môi trường là vấn đề cần thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững với mục tiêu đảm bảo thực thi tốt đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Kim Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn giám sát của UBTVQH về bảo vệ môi trường: Còn rất nhiều thách thức