Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật về bình đẳng giới

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (22-9), Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức diễn đàn Đối thoại chính sách pháp luật lần thứ tư với chủ đề “Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: Vai trò của ngành Tư pháp trong giải quyết vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền và bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UND

Diễn đàn lần này tập trung vào 4 chủ đề chính: lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm hệ thống tư pháp phục vụ phụ nữ, hình thành Bộ công cụ đánh giá về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vai trò của ngành Tư pháp trong việc phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam với sự tham gia và đối thoại của đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tư pháp, VKSNDTC và các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền trả lời báo chí bên lề diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ: Với việc khung pháp lý đang từng bước được hoàn thiện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội, lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật được coi là chiến lược hữu hiệu. Diễn đàn này được tổ chức góp phần nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn thực hiện hoạt động lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật giai đoạn hiện nay.

Ông Eamonn Murphy, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng thường trú của LHQ tại Việt Nam cho biết: Diễn đàn nhằm làm rõ vai trò của ngành Tư pháp trong giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ. Bình đẳng giới là vấn đề quan tâm của hầu hết các quốc gia và được xác định là 1 trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ của toàn cầu. Ông Eamonn Murphy cho rằng, Diễn đàn giúp LHQ định hình về những nội dung sẽ cùng Việt Nam thực hiện về bình đẳng giới trong 5 năm tới.

Bà Nguyễn Thuý Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật vẫn còn hạn chế nên chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn thông tin, thiếu chuyên gia về bình đẳng giới trong dự án luật. Bên cạnh đó, các Ban soạn thảo chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động này trong công tác xây dựng pháp luật.

Để giải quyết vấn đề này, song song với pháp nâng cao nhận thức của các chủ thể có trách nhiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật, cần coi việc không chấp hành trình tự, thủ tục lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật là hành vi vi phạm. Các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo luật cần có thái độ kiên quyết đối với các văn bản luật không bảo đảm yêu cầu lồng ghép giới theo quy định của pháp luật.

TS Trần Văn Quảng (Bộ Tư pháp) đánh giá việc xây dựng Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản là bước đầu tiên trong việc triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản hơn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Bình đẳng giới và các văn bản có liên quan.

Để việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai Bộ công cụ đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, cần thiết phải có sự tuyên truyền, phổ biến, tập huấn trước hết cho những cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, việc lồng ghép giới cần được thực hiện đầy đủ ngay từ khâu lập chương trình đến soạn thảo, thẩm định và thông qua văn bản.

Chuyên gia dự án VNM/T28 Văn phòng Ma túy và tội phạm của LHQ Daria Hagemann cho rằng, chỉ có thể ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành gia đình và đảm bảo kẻ bạo hành được xử lý thích đáng nếu như các nạn nhân, các cơ quan chức năng và xã hội quan tâm nghiêm túc tới vấn đề này, không đổ lỗi cho phụ nữ về việc lạm dụng và thông hiểu pháp luật cũng như các biện pháp phòng chống hỗ trợ khác. Tăng cường bảo vệ nạn nhân thông qua các biện pháp cấm tiếp xúc, tạm giữ và bố trí nơi tạm lánh, nơi ở an toàn và đường dây liên lạc nóng theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình...

Chương trình lần này tiếp nối các diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật đã được Bộ Tư pháp tổ chức thành công trong thời gian qua. 3 chuyên đề đã được triển khai trước đó là theo dõi thi hành pháp luật, pháp luật về tố tụng hành chính và pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thông tin từ Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu thông tin hữu ích giúp tiếp tục nghiên cứu, tăng cường công tác lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam.

L.P

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật về bình đẳng giới