Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tinh giản biên chế

Quốc Huy| 07/05/2015 16:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến nội dung về mục tiêu tinh giảm biên chế đến năm 2021 phải giảm 10% theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ giao các địa phương tự cân đối và tinh giản theo tinh thần Nghị quyết.

Không áp đặt; thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc thi tuyển công chức tại các Bộ, ngành,...để đảm bảo công bằng và thu hút nhân tài. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Bộ Nội vụ tháng 5/2015 vừa diễn ra hôm nay 7/5.

Khó đạt chỉ tiêu giảm tinh giản biên chế 10%

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã xác định rõ từ nay đến năm 2021 tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị.

Trả lời về kết quả của việc tinh giản biên chế từ trước đến nay, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Bộ Nội vụ cho biết, khó nhất trong tinh giảm biên chế đó là chưa quy trách nhiệm người đứng đầu. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị giảm 10% biên chế, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm đưa những người không đáp ứng yêu cầu vào diện thực hiện chính sách tinh giảm biên chế. Trong khi có nhiều người đứng đầu nói cơ quan mình có thể giảm 15%. Đề án tinh giảm biên chế và cơ cấu lại cán bộ công chức, viên chức cần đưa định mức tỷ lệ % tối thiểu để có mục tiêu phấn đấu. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, không sử dụng ngân sách thì thêm 10%. Còn các lĩnh vực giáo dục, y tế thì phải bảo đảm đủ người đứng lớp, đủ bác sỹ,...nên “không có sự cào bằng trong việc giảm biên chế” - ông Toản cho hay.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tinh giản biên chế

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nghị quyết 39, các giai đoạn trước đều đặt ra tỷ lệ % tinh giản biên chế, nhưng dư luận xã hội cho rằng, tỷ lệ 30% cán bộ, công chức không làm được việc, còn các báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương đều cho biết là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là một mâu thuẫn. Nghị quyết 39 đưa ra một tỷ lệ khiêm tốn là 10% cho cả giai đoạn để bảo đảm tính khả thi của tinh giản biên chế. Và Chính phủ cũng đưa ra một quy định, cứ tinh giản được 2 người thì chỉ tuyển dụng 1 người để bảo đảm sự thành công của tinh giản. Bên cạnh đó gắn trách nhiệm người đứng đầu trong tinh giản biên chế và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Việc tinh giản này giao cho các cơ quan, Bộ, ngang Bộ, địa phương tự thu xếp chứ không áp đặt, duy ý chí. Việc đánh giá cán bộ, công chức được quy định rất rõ ràng các tiêu chí như vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ được giao,...

Tổ chức thi tuyển công chức đúng quy trình

Liên quan đến việc thi tuyển, xét tuyển cán bộ, công chức vào các cơ quan nhà nước, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, Luật Cán bộ, công chức quy định tuyển dụng công chức phải qua kỳ thi, nhưng cũng có quy định về việc thu hút những người có tài năng và quy định rõ những tiêu chuẩn, điều kiện để xét tuyển, không qua thi để đáp ứng yêu cầu công việc và tuyển vào cơ quan nhà nước. Ở TP Hà Nội có xét tuyển công chức không qua thi, có người đáp ứng yêu cầu công việc được tuyển dụng. Việc tuyển dụng cũng không được phân biệt người tốt nghiệp trong nước hay ở nước ngoài; chính quy hay tại chức mà cần tổ chức đúng quy trình, tuyển chọn những người có khả năng và làm được việc.

Trả lời câu hỏi về việc cuối tháng 4 vừa qua, Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức sát hạch 63 ứng viên được xét tuyển thẳng vào công chức Hà Nội, trong đó có tới 30 ứng viên không vượt qua kỳ sát hạch; còn tại Khánh Hòa miễn thi tuyển công chức cho những người đạt tốt nghiệp loại giỏi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, Luật Cán bộ, công chức quy định tuyển dụng cán bộ, công chức qua kỳ thi, tuy nhiên Luật cũng có điều khoản, chính sách thu hút tài năng vào trong hoạt động công vụ. Bộ Nội vụ cũng đã thanh kiểm tra ở Hà Nội và thấy việc tuyển dụng đảm bảo đúng quy định, trình tự, thủ tục, công bằng, khách quan.

Trường hợp thành phố Hà Nội xét tuyển không qua thi là những người tốt nghiệp thủ khoa, xuất sắc, có học hàm, học vị ở nước ngoài là việc làm đảm bảo đúng quy định trình tự, đảm bảo công bằng, khách quan. Trường hợp 30 thủ khoa trượt xét tuyển là do bằng cấp chưa phù hợp với lĩnh vực đào tạo và chuyên môn công tác.

“Một người tốt nghiệp toán học đưa về tổ chức cán bộ, trái ngành nên rất khó. Đầu tiên phải phù hợp với ngành công tác mới đáp ứng được, có thể Hội đồng sát hạch thấy không phù hợp nên không thực hiện. Học một đằng đi làm một nẻo, đó chính là lãng phí, mà còn nhiều con đường mở ra. Tất cả mọi người có cơ hội tham gia đăng ký nhiều lĩnh vực chứ không chỉ công chức” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn việc miễn thi tuyển công chức đối với thủ khoa ở Khánh Hòa, Bộ cũng vừa nhận được văn bản báo cáo và đang xem xét sự việc.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đối chiếu với Nghị định 24. Đồng thời khẳng định Bộ ủng hộ địa phương có những sáng kiến, việc làm mới trong tuyển dụng công chức, miễn là giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả. Đồng thời tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh Đề án quy định thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, không để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người thân lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi dưới mọi hình thức. “Đây là một hình thức phòng chống tham nhũng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt đối với những người có chức vụ, quyền hạn” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng quy định nếu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên buộc người đứng đầu phải chọn người làm được việc và sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong việc tuyển dụng, nhất là khi phân cấp cho các cơ quan tuyển dụng công chức, viên chức.

Liên quan đến những “lình xình” trong việc tuyển dụng công chức tại Bộ Công thương, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng cho biết, đến nay Bộ Công thương đã có báo cáo thực hiện một số kết luận, kiến nghị sau thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức và quản lý biên chế công chức. Đánh giá sơ bộ, nhiều kiến nghị đã được lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện, kiểm điểm và đề ra giải pháp khắc phục.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ rà soát, nghiên cứu tình hình xử lý sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức tại một số Bộ, ngành, địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bộ Công thương. Đồng thời sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức; bổ nhiệm, số lượng cấp phó, tiêu chuẩn ngạch công chức lãnh đạo quản lý và quản lý hồ sơ công chức của một số tỉnh như: Quảng Ngãi, Hòa Bình, Sơn La, An Giang;...Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức, đánh giá công chức, viên chức của Bộ Y tế…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tinh giản biên chế