ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội: Tòa án phải xứng đáng với biểu tượng cán cân công lý

26/11/2013 20:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù đã nhiều ngày trôi qua, nhưng dư âm về chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 vẫn còn đọng lại với nhiều luồng ý kiến khác nhau...

Để có cái nhìn bao quát và sâu sắc hơn về những nội dung trả lời chất vấn liên quan đến hoạt động của ngành Tòa án, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội xung quanh vấn đề này.

 

PV: Với tư cách là một ĐBQH, ông có ấn tượng gì về phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tại kỳ họp vừa qua?

 

ĐB Nguyễn Đình Quyền: Trước tiên phải nói rằng, việc trả lời chất vấn nói chung có hay hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như, câu hỏi của các ĐBQH phải hay, đúng và trúng vào vấn đề cũng như thực tiễn đặt ra.

 

Phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình vừa qua, cơ bản đã phúc đáp được yêu cầu của người chất vấn. Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi khá chung chung nên có thể phần trả lời không được như kỳ vọng của cử tri, song phải ghi nhận một điều, Chánh án là người cầu thị và trả lời tương đối trúng những câu chất vấn của ĐB, đây cũng chính là vấn đề mà cử tri gửi gắm, quan tâm. Chánh án trả lời chất vấn chính là trả lời ý kiến của cử tri với những vấn đề liên quan đến công tác của ngành mình, đến chất lượng xét xử của ngành Tòa án hiện nay khá rõ ràng, đầy đủ.

 

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội: Tòa án phải xứng đáng với  biểu tượng cán cân công lý

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền trả lời phỏng vấn Báo Công lý 

 

PV: Dư luận đang rất quan tâm đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông có thể nói rõ hơn về khía cạnh oan sai trong tố tụng hình sự được không?

 

ĐB Nguyễn Đình Quyền: Qua phần trả lời của Chánh án cũng như thực tiễn xét xử của ngành Tòa án cho thấy, năm 2013, toàn ngành đã xét xử trên 300.000 vụ án các loại, tỷ lệ bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đã giảm đến mức thấp nhất; đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, là một kết quả đáng ghi nhận. 

 

Tuy nhiên, với án hình sự, nếu có oan sai xảy ra, dù là con số rất nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu của ngành Tòa án, đến tính mạng của người dân. Đây được coi là những mặt tồn tại cần khắc phục của các cơ quan tố tụng nói chung và ngành Tòa án nói riêng. Khi có vấn đề oan sai xảy ra trong tố tụng hình sự, trách nhiệm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, trong đó có trách nhiệm rất lớn của CQĐT, VKS, chứ không phải riêng Tòa án.

 

Ngoài ra, chúng ta xem xét đánh giá vấn đề phải thấu đáo và căn cứ vào cả quá trình hoạt động. Lộ trình cải cách tư pháp (CCTP) chúng ta đã thực hiện được nhiều năm nay và đạt được kết quả ban đầu khả quan. Đó là chất lượng xét xử ngày càng được nâng lên, số án phải cải, sửa đã giảm đi rất nhiều so với trước đây; số vụ án hình sự bị oan sai cơ bản được khắc phục, đã giảm đến mức thấp nhất. Quá trình CCTP với các cơ quan nói chung, Tòa án ở vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp nói riêng đã có những thay đổi nhất định như tôi đã nói ở phần trên.

 

Cùng với việc CCTP, đòi hỏi của nhân dân đối với Tòa án lớn hơn nhiều, Tòa án phải xứng đáng với biểu tượng cán cân công lý. Nhân dân đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình cũng như năng lực trong công tác chuyên môn. Đây cũng chính là nội dung mà khi trả lời chất vấn, Chánh án Trương Hòa Bình đã đề cập đến, với nhiều giải pháp đột phá cho việc phát triển nguồn nhân lực của ngành Tòa án trong tương lai. Bởi vì, chỉ duy nhất trong hệ thống công chức, Thẩm phán là người nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, tuyên về số phận của con người, đòi hỏi Thẩm phán phải có đủ “đức, tài” để gánh vác trọng trách mà Nhà nước và nhân dân giao phó.

 

PV: Trách nhiệm của Thẩm phán rất lớn nếu để xảy ra oan sai trong vụ án hình sự, nhưng bản thân họ lại không được điều tra hay kiểm sát điều tra. Vậy có mâu thuẫn không, thưa ông?

 

ĐB Nguyễn Đình Quyền: Hàng trăm ngàn vụ án được xét xử mỗi năm là đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ ngành Tòa án. Tuy nhiên, những sai sót dù là rất nhỏ nhưng đối với nhà nước pháp quyền thì không cho phép điều đó. Hơn nữa, đó cũng chính là đòi hỏi của người dân đối với những người cầm cán cân công lý. Tôi cũng rất chia sẻ với những tâm tư của cán bộ ngành Tòa án, họ có những đóng góp rất lớn trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng nếu có sai sót, dù nhỏ cũng khó nhận được sự cảm thông từ phía dư luận. Do đó, ngành Tòa án phải nỗ lực hơn nữa để không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

 

Song, với trọng trách của mình, Thẩm phán phải rất cẩn trọng trong việc xem xét hồ sơ, đối chứng những chứng cứ diễn ra tại phiên tòa. Bởi, nếu chúng ta quá tin vào hồ sơ mà đánh giá thấp chứng cứ trong quá trình tố tụng thì rất dễ dẫn đến những sai lầm có thể xảy ra. Hiện nay, quá trình CCTP, việc thẩm vấn được kết hợp với quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

 

PV: Vậy trong lộ trình CCTP, để việc tranh tụng cũng như chất lượng xét xử được đảm bảo thì chúng ta phải làm gì, thưa ông?

 

ĐB Nguyễn Đình Quyền: Theo tinh thần NQ số 49, Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp nhưng hiện nay, điều kiện để Tòa án làm được điều đó là chưa đầy đủ. Hiện tại, Tòa án mới chỉ là trung tâm của hoạt động tư pháp nói chung chứ chưa phải là trung tâm của hoạt động tư pháp hình sự. Bản chất trung tâm của hoạt động tư pháp hình sự hiện nay nằm ở CQĐT, toàn bộ quá trình tố tụng và hồ sơ vụ án đều ở CQĐT. Nên nếu xác định Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp, trong đó có tư pháp hình sự thì Tòa án phải có thẩm quyền cao hơn nữa. Như các quyền liên quan đến quá trình điều tra, phê chuẩn tạm giam, kiểm sát… Thẩm phán đều phải có quyền hành trong đó. Tức là, Thẩm phán phải thực hiện quyền của mình ngay từ  giai đoạn điều tra và truy tố chứ không phải chỉ đến khi xét xử như hiện nay. Vậy nên, thời gian tới, pháp luật tố tụng phải tính đến việc làm sao cho Tòa án thực sự là trung tâm của hoạt động tư pháp, trong đó có tố tụng hình sự; xem xét lại vai trò, thẩm quyền của TAND, Thẩm phán trong quá trình điều tra vụ án hình sự.

 

PV: Trước Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đã đề cập đến vấn đề nhân sự và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Tòa án, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

 

ĐB Nguyễn Đình Quyền: Tôi thấy rằng, từ khi Tòa án địa phương trở về dưới sự quản lý của TANDTC đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên rõ rệt, cả về trình độ lý luận lẫn chuyên môn. Trước đây, khi Bộ Tư pháp quản lý, còn khá hạn chế về công tác cán bộ trong việc tập huấn nâng cao trình độ và các hoạt động khác. Nhưng từ khi TANDTC quản lý, những vấn đề hạn chế đã được khắc phục và về cơ bản, đội ngũ Thẩm phán hiện tại tương đối yên tâm về chất lượng chuyên môn.

 

Trong phần trả lời chất vấn vừa qua, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đã nói về nhiều giải pháp cho ngành Tòa án thời gian tới đây, đã tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: Đó là nguồn nhân lực và trách nhiệm cá nhân. Tôi thấy rằng, trong điều kiện hội nhập hiện nay đang rất cần có những Thẩm phán giỏi, tâm huyết với nghề. Chánh án đã nhấn mạnh đến những thiết chế đó, đặc biệt thông qua hoạt động giám đốc việc xét xử để nâng cao trách nhiệm của các Thẩm phán và HĐXX là điều rất cần thiết hiện nay. Tôi rất đồng tình với Chánh án về nội dung chiến lược này.

 

PV: Xin cảm ơn ông! 

 

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Hải Phòng):

 

Khẳng định quyết tâm chính trị cao của ngành Tòa án

 

Có thể nói, phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khá thẳng thắn, chủ động và đi sâu vào những vấn đề mà ĐBQH và cử tri quan tâm. 5 nhóm vấn đề mà Chánh án đưa ra trong buổi chất vấn gồm: Tổ chức, nhân sự, nghiệp vụ, sự phối hợp và sửa sang luật và thể chế đều là vấn đề lớn, có tác động mạnh mẽ đến vai trò ngành Tòa án trong giai đoạn hiện nay.

 

Tôi đồng tình với quan điểm của Chánh án khi ông cho rằng, lực lượng cán bộ quyết định cho mọi lĩnh vực và hoạt động của ngành Tòa án, cho nên phải đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xảy ra oan sai, khẳng định uy tín của ngành Tòa án trong xã hội.

 

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội: Tòa án phải xứng đáng với  biểu tượng cán cân công lý

 

Vậy nên, trong số các giải pháp mà Chánh án đưa ra có quy chế trọng dụng nhân tài, tôi rất đồng tình. Khi chất vấn, tôi cũng đã từng nói, chất lượng giải quyết các vụ án tùy thuộc vào chất lượng của đội ngũ Thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký. Như lời Bác Hồ dạy: Cán bộ là cái gốc của công việc, công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém.

 

Cách đây ít lâu, tôi cũng đã trình Quốc hội về việc xây dựng dự án Luật về trọng dụng nhân tài, Quốc hội đã giao Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa làm được nên trước mắt, Chính phủ mới chuẩn bị ban hành nghị định. Trong lúc nghị định chưa được ban hành mà Chánh án đã mạnh dạn đưa ra vấn đề này và lộ trình thực hiện là điều rất đáng ghi nhận.

 

Ở vụ án Nguyễn Thanh Chấn, khi trả lời chất vấn về vụ án này, Chánh án Trương Hòa Bình đã giải thích khá rõ về quy trình tố tụng: Đối với Tòa án thì Hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố, Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì Tòa án xét xử theo hồ sơ, đảm bảo theo đúng pháp luật về tố tụng và nội dung.

 

Đây là một thực tế tố tụng mà chúng ta lâu nay vẫn hay nói “án tại hồ sơ” và “hồ sơ nào sẽ ra kết quả như vậy”. Đây là điều mà ĐBQH cũng rất chia sẻ và cho rằng, phần giải thích của Chánh án là đúng trong điều kiện hiện nay. Trong phần trả lời, Chánh án cũng đã chỉ ra những nguyên nhân nếu có vụ án nào có oan sai là do sự phối hợp kiểm sát, điều tra vụ án chưa tốt. Trong điều kiện hiện nay, thực trạng công tác điều tra vẫn có một số nơi có vi phạm, lúc hồ sơ đưa lên xét xử không thể tránh khỏi những sai lầm. Vì vậy, thực trạng đó cần phải được khắc phục bởi sự tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn điều tra, mà chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới cũng đang hướng tới việc bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa.

 

Mai Thoa (thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội: Tòa án phải xứng đáng với biểu tượng cán cân công lý