ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao

28/11/2013 17:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ họp thứ 6, phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Trưởng ngành hầu hết đều nhận được ý kiến đồng tình của ĐBQH và cử tri cả nước, trong đó có phần trả lời của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.

Hỏi thẳng thắn và trả lời có trách nhiệm

ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn

Trong 3 ngày làm việc tích cực, Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các ĐBQH và cử tri quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, đây là phiên chất vấn có kết quả, không khí rất thẳng thắn, xây dựng và tâm huyết, đồng thời trên tinh thần đoàn kết và xây dựng. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn đúng với những vấn đề cần phải giải quyết mà cuộc sống thực tế cũng như nhân dân đặt ra.

Trước hết, đối với vấn đề thủy điện xả lũ, cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đều thừa nhận, bên cạnh mặt tích cực, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế yếu kém cả trong quy hoạch lẫn trong lập, thẩm định, phê duyệt, thi công xây dựng dự án. Những hạn chế, yếu kém này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là do quản lý nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ rà soát lại thiết kế 205 dự án thủy điện đang xây dựng, nếu thấy chưa an toàn thì có thể dừng ngay.

ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trả lời thẳng vào các vấn đề mà đại biểu quan tâm, thể hiện sự nắm chắc lĩnh vực mình quản lý, chỉ ra được nguyên nhân hiện trạng và hướng khắc phục. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, dù những vấn đề ĐBQH đặt ra “gai góc” nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có những lý giải thấu đáo, giúp cho ĐBQH và hàng triệu cử tri nhìn nhận rõ hơn những khó khăn của ngành Nông nghiệp hiện nay.

Phần trả lời của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình được đánh giá khá thẳng thắn với tinh thần cầu thị cao và đưa ra nhiều biện pháp mang tính đột phá cho ngành Tòa án hiện nay. Qua đó, cử tri và ĐBQH hiểu rõ hơn sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể và cán bộ ngành Tòa án trong công tác chuyên môn, cơ bản đạt được những chỉ tiêu mà Nghị quyết số 37 của Quốc hội đề ra như hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, sửa; không có án oan sai. Với việc tỷ lệ đơn xin tái thẩm, giám đốc thẩm tăng cao trong năm qua, có phải niềm tin của nhân dân vào công lý hay không mà các đại biểu đã đề cập đến, Chánh án Trương Hòa Bình đã lý giải khá cặn kẽ, qua đó thấy được về thực trạng rất cần được chia sẻ hiện nay. Con số 63% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án giải quyết trong năm 2013 đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành và có thể coi đây là con số vượt trội. Bởi pháp luật tố tụng tư pháp của chúng ta hiện nay đã mở rộng quyền gửi đơn nhiều lần không mà cần nộp án phí. Trong khi đó ở Việt Nam, Tòa án phải xem xét giải quyết hết các loại đơn được gửi đến, còn các nước trên thế giới họ chỉ lựa chọn giải quyết những vụ việc điển hình.

Với thực tế như trên, nhiều ĐBQH đồng tình với ý kiến của Chánh án “Đánh giá niềm tin của nhân dân với Tòa án phải đánh giá đúng mức và thực tế khách quan, còn số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không thể nói rằng người dân không tin vào ngành Tòa án”.

Án oan sai, ngành Tòa án không né tránh trách nhiệm

Trước việc vụ án Nguyễn Thanh Chấn có dấu hiệu oan sai mà dư luận đang rất quan tâm gần đây, nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho rằng lỗi là của cả CQĐT, Viện kiểm sát và Tòa án. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, Hội đồng Thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC xét xử tái thẩm và quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Hiện nay các thủ tục tố tụng đang được tiến hành để Viện kiểm sát tiến hành điều tra lại vụ án này.

“Thực tế thì bất cứ một nền tư pháp của đất nước nào, kể cả những nước có nền pháp luật tiên tiến thì cũng không tránh khỏi có tình trạng oan sai và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ” - Chánh án cho hay và nhấn mạnh: Vụ án Nguyễn Thanh Chấn có oan hay không còn phải chứng minh chứ không thể kết luận ngay, và cán bộ nào vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên sẽ phải tiến hành rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, bởi nếu không khéo thì sẽ làm "chùn bước" những người đang "gian khổ tấn công tội phạm.

ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời chất vấn tại kỳ họp

Chánh án giải thích: “Đối với Tòa án thì các HĐXX dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố, Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật”. Vậy nên “Nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì Tòa án xét xử theo hồ sơ đảm bảo theo đúng pháp luật về tố tụng và nội dung”. Nhưng với trách nhiệm của mình, Chánh án đã thẳng thắn: “Vụ án oan sai với mức án chung thân đối với ông Nguyễn Thanh Chấn là không thể chấp nhận được. Dư luận cho rằng ông Chấn bị ép cung cần phải được xem xét. Việc HĐXX phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó, song dù không phát hiện được có ép cung nhưng xét xử để xảy ra oan sai thì HĐXX có liên đới trách nhiệm, ngành Tòa án không thể phủ nhận trách nhiệm này”.

Qua phần trả lời chất vấn, Chánh án cũng đã chia sẻ một thực tế mà nhiều  người đã biết về những khó khăn, áp lực của nghề nghiệp tạo nên. Đó là việc những năm gần đây, mỗi năm CQĐT thụ  lý trên 100.000 vụ án hình sự. Việc điều tra, đấu tranh, vạch trần tội phạm là một công việc hết sức khó khăn, vất vả, thậm chí có trường hợp phải hy sinh tính mạng, hao tổn xương máu để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả công tố, Thẩm phán cũng phải chịu áp lực rất lớn. Đa số Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được đào tạo bài bản, bổ nhiệm chặt chẽ, là "cán bộ tin cậy" của Đảng và nhân dân trên mặt trận bảo vệ công lý. Án oan sai không thể chấp nhận được và để không xảy ra oan sai thì cả 3 ngành tố tụng phải có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Đối với ngành Tòa án, Chánh án cho biết: Ngành TAND xác định đội ngũ cán bộ quyết định sự thành công nên đã rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đủ năng lực, trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, để trong xét xử hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra oan sai, để khẳng định uy tín của ngành Tòa án trong xã hội, là biểu tượng của công lý.

Chiến lược đặt ra cho ngành TAND là đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Tòa án, từ việc tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn và sát hạch đội ngũ công chức, Thẩm phán để nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt coi trọng nguyên tắc tranh tụng tại Tòa, xem xét thấu đáo ý kiến của các bên tham gia tố tụng, trong đó có bị cáo để làm rõ sự thật vụ án. Bên cạnh đó coi trọng giám đốc, kiểm tra, phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời những bản án tuyên không rõ ràng, không có căn cứ pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Tinh thần cầu thị và quyết tâm chính trị

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bên lề Quốc hội, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với một số ĐBQH và ghi nhận ý kiến chia sẻ xung quanh phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình:

PV: Thưa đại biểu Lê Thanh Vân, ông đánh giá như thế nào phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng như những giải pháp đã đưa ra của ngành Tòa án?

ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao

ĐB Lê Thanh Vân

ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Hải Phòng): Có thể nói phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khá thẳng thắn, chủ động và đi sâu vào những vấn đề mà ĐBQH và cử tri quan tâm. 5 nhóm vấn đề mà Chánh án đưa ra trong buổi chất vấn gồm: tổ chức, nhân sự, nghiệp vụ, sự phối hợp và sửa sang luật và thể chế đều là vấn đề lớn, có tác động mạnh mẽ đến vai trò ngành Tòa án trong giai đoạn hiện nay.

Tôi đồng tình với quan điểm của Chánh án khi ông cho rằng, lực lượng cán bộ quyết định cho mọi lĩnh vực và hoạt động của ngành Tòa án, cho nên phải đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng để xảy ra oan sai, khẳng định uy tín của ngành Tòa án trong xã hội.

Vậy nên trong số các giải pháp mà Chánh án đưa ra có quy chế trọng dụng nhân tài mà tôi rất đồng tình. Khi chất vấn tôi cũng đã từng nói, chất lượng giải quyết các vụ án tùy thuộc vào chất lượng của đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký. Như lời Bác Hồ dạy: cán bộ là cái gốc của công việc, công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém.

Cách đây ít lâu tôi cũng đã trình Quốc hội về việc xây dựng dự án Luật về trọng dụng nhân tài, Quốc hội đã giao Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa làm được nên trước mắt Chính phủ mới chuẩn bị ban hành nghị định. Trong lúc nghị định chưa được ban hành mà Chánh án đã mạnh dạn đưa ra vấn đề này và lộ trình thực hiện, là điều rất đáng ghi nhận.

PV: Liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang mà dư luận rất quan tâm, ông có ý kiến gì về phần trả lời của Chánh án ở nội dung này không?

ĐB Lê Thanh Vân: Khi trả lời chất vấn về vụ án này, Chánh án Trương Hòa Bình đã giải thích khá rõ về quy trình tố tụng: “Đối với Tòa án thì các Hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố, Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì Tòa án xét xử theo hồ sơ đảm bảo theo đúng pháp luật về tố tụng và nội dung”.

Đây là một thực tế tố tụng mà chúng ta lâu nay vẫn hay nói “án tại hồ sơ” và “hồ sơ nào sẽ ra kết quả như vậy”. Đây là điều mà ĐBQH cũng rất chia sẻ và cho rằng phần giải thích của Chánh án là đúng trong điều kiện hiện nay. Trong phần trả lời Chánh án cũng đã chỉ ra những nguyên nhân nếu có vụ án nào có oan sai là do sự phối hợp kiểm sát, điều tra vụ án chưa tốt. Trong điệu kiện hiện nay, thực trạng công tác điều tra vẫn có một số nơi có vi phạm, lúc hồ sơ đưa lên xét xử không thể tránh khỏi những sai lầm. Chính vì thế khi điều hành phiên chất vấn, Chủ tọa cũng đã giao phần trả lời đó cho Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC làm rõ vấn đề này, điều đó cho thấy nếu có vấn đề oan sai trong vụ án này không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng Tòa án, bởi cơ quan này cũng chỉ là một khâu trong tố tụng mà thôi.

Tôi nghĩ rằng thực trạng đó cần phải được khắc phục bởi sự tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn điều tra mà chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới cũng đang hướng tới việc bảo đảm quyền tranh tụng tại phiên tòa.

“Không chỉ tôi mà nhiều ĐBQH khác đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Chánh án Trương Hòa Bình. Chánh án là người rất cầu thị, tôn trọng ý kiến của các ĐBQH trước các vấn đề mà thực tế đặt ra. Chẳng hạn trong thời gian giữa hai kỳ họp, các kiến nghị ĐBQH gửi đến TANDTC đều được trả lời, hoặc chuyển đến các bộ phận chuyên môn chịu trách nhiệm trả lời kịp thời. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm này, khi có vụ việc, kiến nghị xét thấy nếu có đầy đủ cơ sở là Chánh án chỉ đạo làm  ngay” - Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

PV: Thưa đại biểu Bùi Thị An, trả lời chất vấn của Chánh án Trương Hòa Bình trước Quốc hội có giải đáp thấu đáo vấn đề mà bà quan tâm?

ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao

ĐB Bùi Thị An

ĐB Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội): Tôi cho rằng phần trả lời khá thẳng thắn, trách nhiệm của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trước Quốc hội để lại ấn tượng khá sâu sắc không chỉ đối với riêng tôi. Trước những vấn đề lớn như chất lượng xét xử các loại án, xây dựng đội ngũ cán bộ và hạn chế án oan sai,…đều được Chánh án xem xét tận gốc vấn đề và đưa ra các giải pháp cụ thể, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Cũng qua phần chất vấn, tâm tư của Chánh án về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh luôn hiện hữu, để từ đó các chiến lược về chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành được đưa ra nhiều giải pháp đột phá mạnh mẽ, trong đó có việc xây dựng Học viện Tòa án  để đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao cho ngành mình. Với cách làm đó, tôi tin trong tương lai ngành Tòa án sẽ có những thay đổi căn bản, những tín hiệu tốt, xứng đáng như kỳ vọng của Chánh án là “ngành Tòa án luôn là biểu tượng công lý của xã hội”.

Riêng vụ án Nguyễn Thanh Chấn, dù ai cũng hiểu rằng vụ án có nhiều nguyên nhân khác nhau và nhiều cơ quan tố tụng có trách nhiệm nhất định, Tòa án cũng chỉ được coi là một khâu trong quá trình tố tụng. Nhưng với trách  nhiệm của mình Chánh án đã khẳng định “dù có ép cung, nhục hình hay không thì trách nhiệm của Tòa án vẫn có phần trong đó”, đã thể hiện tinh thần dám nhận trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ngành Tòa án, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần này.

PV: Xin cảm ơn các đại biểu!

Nhóm PV (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH đánh giá về phiên chất vấn kỳ họp thứ 6: Chất lượng chất vấn được nâng cao