Chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của các quốc gia

24/12/2013 15:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận định của GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện dân số vàng Việt Nam” ngày 24-12.

Hội thảo do Ban Kinh tế  Trung ương phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của các quốc gia

GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra sôi động ở khắp các vùng miền trong cả nước sẽ tác động mạnh mẽ tới các dòng dân cư, đặc biệt là dòng di cư nông thôn - thành thị và di cư ở nhóm tuổi lao động đã tạo nên động lực lớn trong việc tạo thêm việc làm.

Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KKHGĐ (Bộ Y tế), Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nên cần phải thực hiện các chính sách, giải pháp sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lao động, giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới, tạo thêm chỗ làm việc mới, nhất là ở nông thôn; tìm kiếm và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động…

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân), nếu tạo đủ việc làm cho lao động và lao động có năng suất cao sẽ phát huy được dân số vàng, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” có khả năng “giàu trước khi già”. Theo điều tra dân số, năm 2011 tỷ lệ người trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ trên 65 tuổi chiếm 7% dân số nên Việt Nam chính thức gia nhập các quốc gia già hóa dân số từ năm 2011 (sớm hơn dự báo là 6 năm). Để có chất lượng của đội ngũ lao động vàng, cần nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực đầu tư vào khoa học kỹ thuật, đồng thời chuẩn bị thích ứng với dân số già; điều chỉnh mô hình tăng trưởng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội; điều chỉnh mô hình tăng trưởng, dùng hàm lượng chất xám từ nguồn nhân lực cao.

Chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của các quốc gia

Cũng theo GS.TS Vương Đình Huệ, cùng với sự gia tăng về quy mô dân số (năm 2013 dân số Việt Nam là 90 triệu người), cơ cấu dân số nước ta bắt đầu chuyển từ “cơ cấu dân số trẻ” bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với tỷ số phụ thuộc là 46,4%. Giai đoạn dân số vàng chỉ kéo dài trong khoảng từ 35-40 năm (dự báo sẽ kết thúc vào năm 2045-2050). Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời gian tới, đó là các vấn đề trong việc tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…

Trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Nếu lực lượng này là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, làm tăng thu nhập bình quân đầu người và tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn “dân số già”.

Nguyễn Thanh Liêm - Vân Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của các quốc gia