Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời chất vấn

Quỳnh Hoa - Hồng Cường| 18/11/2014 16:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn.

Phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra từ phiên chất vấn chiều 17/11 xoay quanh nội dung phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Nói về những giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế ở nước ta hiện nay. Tình trạng này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó ở nước ta trầm trọng hơn và phạm vi rộng hơn.

Theo Phó Thủ tướng, muốn chống buôn lậu, gian lận thương mại thành công, trước hết phải dựa vào dân và hệ thống chính trị. Vì vậy, phải phát động người dân, nâng cao ý thức của người dân và quan trọng nhất người dân phải thượng tôn pháp luật; vận động người dân không tiêu thụ, không tiếp tay, không bao che, không vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng rất quan trọng trong vấn đề này; đồng thời phải củng cố lực lượng chủ công chống buôn lậu thật mạnh, đủ khả năng, sức đề kháng, nâng cao phẩm chất, năng lực, nhiệm vụ của các lực lượng này, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc và có chính sách tốt hơn. Lực lượng này gồm 6 cơ quan chủ công là Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an, Cảnh sát biển và ngành Thuế, cùng với cấp ủy, chính quyền có biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đồng thời phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, người đứng đầu, nhất là cá nhân, tổ chức có chủ trương hoặc bao che cho hành động buôn lậu, tổ chức sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có thái độ kiên quyết, xử lý nghiêm minh, đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu, sản xuất hàng giả. Cùng với đó là đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng cung cầu của thị trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chống buôn lậu; sửa đổi các quy định cần thiết phục vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

9 tháng năm 2014, đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý trên 146.000 vụ việc, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2013; thu nộp ngân sách từ xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu và công tác kiểm tra, thanh tra, truy tố là gần 10.000 tỷ đồng, tăng gần 18%; đã khởi tố 1.147/1.289 đối tượng; trong đó lực lượng Thuế, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Biên phòng đều bắt số vụ cao hơn cùng kỳ, nhưng hàng lậu, hàng giả lọt vào thị trường nước ta còn lớn…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, có những giải pháp cụ thể và đúng pháp luật để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này. Để ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở nước ta, từng bộ, từng ngành, đặc biệt lực lượng chủ công cần nêu cao quyết tâm chính trị, có các giải pháp cụ thể, nâng cao phẩm chất, tinh thần trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ mở đợt tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm từ nay đến Tết Ất Mùi. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, UBND các địa phương phải vào cuộc bằng các giải pháp cụ thể, các cơ quan tố tụng điều tra truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời loại tội phạm này.

Điều hành giá theo cơ chế thị trường

Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu về nội dung quản lý nhà nước về giá. Bộ trưởng cho biết thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước đúng quy định của pháp luật, để bình ổn giá, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân kinh doanh; lợi ích của người tiêu dùng và Nhà nước.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số mặt hàng quan trọng như: Điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, nước sạch, giá giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi... Cụ thể, về giá xăng dầu, trước ngày 1/11/2014, thực hiện theo Nghị định 84 của Chính phủ, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu. Trong 10 tháng vừa qua, đã điều hành tăng, giảm 25 lần giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng giảm 1.860 đồng/lít so với đầu năm 2014; giá xăng diezen giảm 1.880 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 1560 đồng/lít; dầu ma rút giảm 1220 đồng/lít. Bộ trưởng khẳng định điều này thể hiện đã điều hành giá theo tín hiệu thị trường. Từ ngày 1/1/2014, điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp trong việc điều hành giá xăng dầu.

Về giá sữa, Bộ trưởng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079 về điều hành giá sữa. Bộ cũng đã công bố giá tối đa của 25 mặt hàng sữa; đồng thời có Công thư gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp thực hiện việc này. Đến nay, Bộ Tài chính đã đăng ký và công bố giá 582 mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá sữa so với trước thời điểm Bộ Tài chính quản lý có những mặt hàng đã giảm đến 34% - đây là việc làm rất hiệu quả. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý giá những mặt hàng theo cơ chế thị trường và bám sát thị trường hơn - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.Quan tâm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏTham gia trả lời cùng Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định công nghiệp phụ trợ là một trong những vấn đề rất lớn, quan trọng của đất nước. Khẳng định việc phát triển công nghiệp phụ trợ là vấn đề khó, không đơn giản, bởi theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện khái niệm thế nào là công nghiệp phụ trợ vẫn đang là vấn đề còn tranh luận.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu quan điểm phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay nói cách khác là khối doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng cho rằng “nếu trong chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ không đề cập tới nội dung này sẽ là một sai lầm, ta sẽ loay hoay với việc chọn ngành, nghề nào để phát triển”. Bộ trưởng phân tích nếu doanh nghiệp tư nhân được phát triển mạnh mẽ không chỉ tạo ra nhiều việc làm mà còn tạo ra chuỗi giá trị gia tăng quan trọng phục vụ cho những ngành công nghiệp chính, tạo ra rất nhiều việc làm cho xã hội.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thấy rằng trong chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn còn tồn tại một số vấn đề về hỗ trợ cho khởi động doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch để người dân có tiền sẽ đầu tư thành lập doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện về vốn; chuyển giao công nghệ… Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định nội dung then chốt của phát triển công nghiệp phụ trợ chính là khuyến khích thành lập, phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và lực lượng doanh nghiệp tư nhân.

Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ hơn các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn về nội dung phân phối hàng hóa nội địa; trách nhiệm quản lý ngành trong quản lý phân bón giả, kém chất lượng; giá bán lẻ điện…

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định các nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương là những vấn đề chiến lược, có tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân. Các câu hỏi được nêu trực diện, rõ ràng, ngắn gọn. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời thẳng vào vấn đề, rõ ràng và tương đối thỏa đáng đối với những câu hỏi đã nêu. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Công Thương phải phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để giải quyết trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị sau phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cần tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả về các nội dung: Phát triển công nghiệp phụ trợ; phát triển công nghiệp chế tạo trong nước để đáp ứng nhu cầu máy móc, công cụ trang thiết bị phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời chất vấn