Báo cáo Bộ Chính trị dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Văn Võ| 14/10/2014 21:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ GTVT thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Báo cáo Bộ Chính trị dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chính phủ đã thống nhất sẽ xây dựng sân bay Long Thành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành như đề nghị của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải.

Cụ thể, mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức hàng không quốc tế - ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Quy mô đầu tư nâng công suất khai thác đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến năm 2030); trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến được đầu tư xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng là 5.000 ha. Khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỷ USD.

Trước đó tại phiên họp của UBTVQH ngày 8/10, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết: Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đưa ra tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, và ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng. Theo ông Thăng, dự án Cảng HKQT Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng. Lợi ích kinh tế của dự án được tính toán trên cơ sở lợi ích tăng thêm từ việc khai thác kinh doanh cảng hàng không, nguồn thu từ chi tiêu của du khách nước ngoài.

Báo cáo Bộ Chính trị dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đa số ý kiến tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ một số nội dung. Theo đó, có ý kiến cho rằng, chỉ cần mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất (với tổng diện tích là 1.500 ha hiện tại) vẫn có thể nâng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu vì các cảng hàng không trong khu vực với diện tích nhỏ hơn vẫn có thể phục vụ lượng khách rất lớn như: Cảng HKQT Chek Lapkok (Hong Kong) chỉ với diện tích 1.255 ha có công suất đạt 50 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không Changi (Singapore) rộng 1.300 ha công suất đạt 42 triệu hành khách/năm.

Đồng tình chủ trương đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho rằng, đầu tư dự án là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về hệ thống giao thông. Theo ông Khoa, về mặt quốc phòng - an ninh các sân bay phải đảm bảo quốc phòng an ninh. "Tại sao không chọn vị trí ở miền Trung mà là tại phía Nam. Bởi đây là vị trí quan trọng về kinh tế, khu vực phía Nam đất nước. Vị trí khác đáp ứng quân sự nhưng không được kinh tế, và ngược lại. Còn vị trí này rất phù hợp” - ông Khoa bày tỏ quan điểm đồng tình về việc chọn vị trí xây dựng.

Trước vấn đề kinh phí xây dựng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước đặt vấn đề: "Tính ra mỗi năm hơn 40.000 tỷ đồng. Riêng năm 2014-2015 huy động cả trái phiếu Chính phủ, trong khi năm 2015 QH đã khóa sổ trái phiếu. Vậy tiền ở đâu? Không gỡ được là khó. Không giải quyết được đền bù thì kéo dài. Lo nhất là vấn đề tiền”.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng một lượng lớn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay của các tổ chức quốc tế trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài ra, cũng cần đầu tư một lượng vốn rất lớn cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối với Cảng HKQT Long Thành. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ khả năng huy động vốn.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói: Đây là công trình lớn, liên quan trực tiếp đến hội nhập quốc tế khi sau năm 2020 nước ta là nước công nghiệp, an ninh - quốc phòng. Vì vậy, cần chuẩn bị giải trình trước QH tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Biên Hòa để thấy đầu tư địa điểm đó là hợp lý. Bỏ vốn phải tính đến hiệu quả thương mại. Giờ làm rõ để QH yên tâm. Còn Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: "Vấn đề tiền cố gắng giải thích cho QH dễ chấp nhận; đền bù phải cùng một lúc, nếu không là khó”. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo Bộ Chính trị dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành