Bác bỏ những luận điệu vu cáo của Trung Quốc

Phương Nam| 18/06/2014 14:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những luận điệu sai trái và vu cáo của Trung Quốc về tình hình Biển Đông đã không che mắt được dư luận quốc tế. Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những luận điệu vô căn cứ này.

Hành vi ngụy tạo bằng chứng của Trung Quốc bị truyền thông quốc tế “bóc mẽ”.

Việc Trung Quốc mới đây gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon vu cáo Việt Nam gây rối cho hoạt động giàn khoan Hải Dương - 981 cùng những tài liệu sai trái khác do Trung Quốc lưu hành tại Liên Hợp Quốc đã không thể thuyết phục được dư luận.

Trả lời hãng tin CNN của Mỹ, chuyên gia Euan Graham tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore khẳng định rằng việc triển khai giàn khoan Hải Dương - 981 cùng nhiều tàu hải quân và máy bay của Trung Quốc là “hành động đơn phương” và “rõ ràng mang tính khiêu khích”.

Theo biên tập Shannon Tiezzi của chuyên san “Ngoại giao” (The Dilopmat) của Nhật Bản, Trung Quốc lâu nay không muốn quốc tế tham gia giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nay lại “to tiếng” ở Liên hợp quốc. Qua đó có thể thấy, Trung Quốc muốn che mắt dư luận bằng công hàm nói trên và bước đi này chứng tỏ Bắc Kinh không còn cách nào khác trong việc cố chứng minh “tính đúng đắn” của những gì họ đang làm trên Biển Đông.

Bác bỏ những luận điệu vu cáo của Trung Quốc

Quang cảnh buổi họp báo

Tiến sĩ William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đánh giá cao việc Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực trong vấn đề này. Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời Tiến sỹ William Choong cho rằng, “Việt Nam đã có cách tiếp cận ôn hòa và hợp lý đối với các thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình”. Ông William Choong còn nhận định hành vi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương - 981 là “động thái được tính toán trước và lên kế hoạch cẩn thận”.

Nhận định được đưa ra dựa trên phân tích các thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra tại buổi họp báo quốc tế mà Trung Quốc tổ chức cuối tuần qua tại Bắc Kinh. Tại buổi họp báo này, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Dịch Tiên Lương đã trắng trợn vu cáo Việt Nam đâm húc tàu Trung Quốc, thả chướng ngại vật để ngăn cản tàu nước họ.

Khi phóng viên quốc tế đặt câu hỏi tại sao các vị trí tàu Trung Quốc bị đâm hỏng lại nằm ở mũi tàu, như thế chỉ có khả năng do tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam chứ không phải do tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc, thì ông Dịch Tiên Lương bao biện rằng do sóng to khi va chạm phần mũi tàu dễ bị va nhất. Khi một phóng viên khác đặt câu hỏi: “Những hình ảnh này được ghi từ ngày 2/5, tại sao đến nay - đã hơn 40 ngày, Trung Quốc mới công bố?”. Ông Dịch đuối lý và giải thích một cách vòng vo, không thuyết phục.

Ngoài ra, ông Dịch Tiên Dương cũng giải thích rằng một số tàu quân sự được trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc “vô tình” đi ngang qua khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 chứ không phải được cử đến.

 Phản ứng trước thông tin ngụy biện này, hãng tin Anh Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của Mỹ cho rằng, tuyên bố này là “một mưu toan nhằm che đậy những gì mà Trung Quốc thật sự đang làm”. Quan chức này cho biết: “Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện quân sự hùng hậu và liên tục ở khu vực gần giàn khoan, từ khi giàn khoan này được hạ đặt ngày 2/5, huy động cả các trực thăng và chiến đấu cơ bay bên trên giàn khoan này. Hiện cũng có nhiều chiến hạm của Trung Quốc chung quanh giàn khoan”.

Luận điệu sai trái và vô căn cứ

Chiều 16/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức "Họp báo Quốc tế về tình hình Biển Đông" để phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của Trung Quốc cũng như một số nội dung sai trái mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thời gian gần đây.

 Ông Lê Hải Bình- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Trong những ngày qua, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động trái phép của giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chập việc Việt Nam đã hết sức kiên trì trao đổi ở nhiều cấp với phía Trung Quốc, cũng như hết sức kiềm chế trên thực địa.

Ông Lê Hải Bình cho biết, Trung Quốc cũng đang có những hành vi trái phép trong việc mở rộng và xây dựng một số công trình ở một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa, đồng thời rêu rao những lập luận về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa mà trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cụ thể trong các ngày 8-9/6/2014, Trung Quốc đã cho công bố một tài liệu có nhan đề "Tác nghiệp của giàn khoan Hải Dương-981 - Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc", đồng thời đề nghị Liên Hợp Quốc cho lưu hành tài liệu này đến các nước thành viên của Liên Hợp Quốc.

Tiếp sau đó, ngày 13/6/2014, Phó Vụ trưởng Vụ biên giới và Hải dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dịch Tiên Lương đã tổ chức họp báo và nêu ra những luận điệu hết sức sai trái và vô căn cứ về tình hình trên biển hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, Việt Nam bác bỏ lập luận của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa bởi các tài liệu của Trung Quốc đưa ra thiếu tính khách quan và nhất quán.

Theo ông Hải, các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang tiến hành đã vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Theo ông Hải, Trung Quốc đã cố tình viện dẫn sai Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bởi trong Công thư này không hề công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vì không có cơ sở pháp lý. Theo ông Hải, những bằng chứng mà Trung Quốc đưa ra là ngụy tạo vào không có tài liệu nào chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc trong lịch sử thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam vẫn sẽ hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của mình

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trình bày những bằng chứng về việc Việt Nam có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và việc Việt Nam từ lâu đã có hoạt động khảo sát và khai thác dầu khí tại khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Thập cho biết, hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khu vực quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn tuân thủ Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Việt Nam vẫn sẽ hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế như đã làm trong 40 năm qua. Tập đoàn đã ký hơn 100 hợp đồng khai thác, trong đó 61 hợp đồng dầu khí hiện vẫn đang có hiệu lực. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định Trung Quốc đã dựa vào yêu sách đường lưỡi bò phi lý mà cả thế giới không công nhận để nói rằng 57 lô dầu khí của Việt Nam nằm trong vùng tranh chấp là hoàn toàn không có giá trị. Trung Quốc đang cố tình và có chủ ý biến vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp với những đòi hỏi phi lý. Thực tế khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đại diện Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Ngô Ngọc Thu cho biết: Trung Quốc tiếp tục huy động một số lượng lớn tàu thuyền và máy bay trinh sát uy hiếp các tàu kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển.

Việt Nam bác những thông tin sai trái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng tính đến 12h ngày 13/6, các tàu Việt Nam đã đâm húc 1.547 lần tàu Trung Quốc là hoàn toàn sai. Ngược lại, chỉ có các tàu Trung Quốc chủ động đâm va và khiến tàu của Việt Nam bị hư hỏng.

Những hành động tấn công nguy hiểm của phía Trung Quốc đã khiến 15 kiểm ngư viên và 32 ngư dân Việt Nam bị thương và phía Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy tàu của Việt Nam không tấn công tàu Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tuyên bố không đưa tàu và máy bay đến khu vực giàn khoan Hải Dương -981 là hoàn toàn vô căn cứ bởi không chỉ các hãng thông tấn của Việt Nam mà cả các hãng thông tấn quốc tế đều ghi nhận được mỗi ngày có 4 - 6 tàu Trung Quốc "tình cờ đi ngang qua" khu vực này.

Về việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả lưới đánh cá và chướng ngại vật tại khu vực hiện trường gây ảnh hưởng tới tàu và người của Trung Quốc, ông Thu khẳng định Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường. Ông Thu cũng cho biết, những chướng ngại mà phía Trung Quốc vu cáo Việt Nam cố tình thả trong vùng biển hiện trường thực chất là các vật dụng trên tàu của Việt Nam sau khi bị Trung Quốc phun vòi rồng tấn công văng ra. Phía Trung Quốc vớt lên coi đó là vật chứng là hoàn toàn sai sự thật.

Cũng theo ông Thu, việc Trung Quốc tuyên bố không đưa tàu và máy bay đến khu vực giàn khoan Hải Dương -981 là hoàn toàn vô căn cứ bởi không chỉ các hãng thông tấn của Việt Nam mà cả các hãng thông tấn quốc tế đều ghi nhận được mỗi ngày có 4 - 6 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện gần khu vực giàn khoan.

Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng cục Kiểm Ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tàu ngư dân của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực giàn khoan Hải Dương  - 981 không nhằm mục đích đánh bắt cá thông thường mà chỉ hỗ trợ các tàu Trung Quốc tấn công, bao vây uy hiếp tàu Việt Nam.

Tại cuộc họp báo này, lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam cũng đã cung cấp video clip về những diễn biến  mới nhất trên vùng biển xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Qua đó, báo chí trong nước và quốc tế được cung cấp thêm những bằng chứng về hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong những ngày gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác bỏ những luận điệu vu cáo của Trung Quốc