90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm

Dương Cầm| 19/06/2015 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm.

Tham dự Hội thảo có ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ; ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hà Minh Huệ - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cùng nhiều nhà báo lão thành cách mạng như Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Đỗ Hưng, Hồng Vinh, Trương Ngọc Nam…

Các tham luận tham gia Hội thảo 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam đã nêu bật vai trò và đóng góp của nền báo chí nước nhà, cũng như nhìn thẳng vào những mặt còn tồn tại trong đội ngũ những người làm báo, đặc biệt là vấn đề bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí Việt Nam góp phần quan trọng vào thành tựu công cuộc đổi mới đất nước

90 năm trước, ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã sáng lập Báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Từ đó, dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc của đồng bào, đồng chí, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và đại diện của Đảng và nhân dân đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm

Nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Hệ thống báo chí hiện nay lớn mạnh hơn bao giờ hết. Bốn loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử đã hàng ngày hàng giờ, thậm chí hàng phút cung cấp luồng thông tin khổng lồ về cơ bản đáp ứng thông tin ngày càng cao của nhân dân. Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, tính đến nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí, hơn 1.100 ấn phẩm gồm báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, 1 hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố; 98 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, hàng nghìn trang thông tin điện tử của các tổ chức và doanh nghiệp…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nhấn mạnh: Với sự phát triển lớn mạnh của mình, báo chí nước ta đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới: tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực tuyên truyền có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh chóng, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Cần nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

Các tham luận tại Hội thảo tập trung nêu cao vai trò của những người làm báo, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng báo chí trong thời gian tới.

90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Trong bài tham luận của mình về rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, nhà báo Hà Đăng bày tỏ, bên cạnh sự vui mừng về lực lượng báo chí ngày càng lớn mạnh nhiều hơn so với những thập kỷ trước, thì còn có những nỗi lo. Đặc biệt, ông lưu ý việc rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, nhất là đối với lực lượng làm báo trẻ, vẫn còn nhiều hẫng hụt, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả để báo chí cách mạng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong tình hình mới.

“Tôi không muốn nêu lên đây những sai sót, có sai sót nghiêm trọng, trên mặt báo, và do làn sóng không vững vàng về chính trị, cũng như những vấp váp và sa ngã của không ít nhà báo, thậm chí có người rơi vào vòng lao lý, vì thiếu đạo đức nghề nghiệp. Điều tôi muốn nói là đối với nhà báo chúng ta, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp không bao giờ là chuyện cũ”, nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh.

Với tâm huyết của người có hơn nửa thế kỷ cầm bút, rất yêu nghề và quý trọng đồng nghiệp, nhà báo lão thành Hữu Thọ - Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã có những trải lòng tâm sự về đạo đức của nghề báo. Ông đặc biệt lưu ý: “Cạm bẫy tiền bạc và danh vọng hão giăng ra bủa vây không chỉ với phóng viên và với cả người lãnh đạo tờ báo”.

90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm

Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: “Trong hoạt động của mình, trong bối cảnh phức tạp của thời kỳ đầu áp dụng kinh tế thị trường, đất nước hội nhập sâu rộng, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, báo chí của chúng ta cũng mắc những sai phạm, khuyết điểm không đáng có. Trách nhiệm của đội ngũ báo chí là phải sớm khắc phục các yếu kém, khuyết điểm để giữ vững phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước”.

Đề cập đạo đức của nghề làm báo, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, hơn ai hết những người làm báo, bên cạnh việc trau dồi chính trị, văn hóa, chuyên môn vững vàng thì mỗi nhà báo cần chú ý đến đạo đức nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Kỷ nêu ý kiến: “Nếu nhà báo mà không trau dồi đạo đức nghề nghiệp, văn hóa nghề nghiệp của mình thì dễ bị sa vào những cạm bẫy. Điều này đã từng xảy ra và tôi nghĩ là vẫn tiếp tục xảy ra. Có điều, các cơ quan quản lý, các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí tăng cường quản lý, giáo dục, động viên phóng viên. Bên cạnh đó, cũng tạo cơ chế cho anh em trong đời sống tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm