Tạo xung lực thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-LB Nga-Belarus

Xuân Lan| 26/06/2017 14:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang (LB) Nga Vladimir Putin và Tổng thống CH Belarus Alexander Lukashenko, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm chính thức Liên bang (LB) Nga và Cộng hoà (CH) Belarus từ ngày 26/6-1/7.

Chuyến thăm nhằm góp phần tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tạo xung lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam-LB Nga: Hợp tác hiệu quả, đi vào chiều sâu

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-LB Nga không ngừng được củng cố và phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, có độ tin cậy cao về chính trị. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Tạo xung lực thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-LB Nga-Belarus

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Tổng thống Liên bang Nga Putin trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru

Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển năng động. Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật thành lập từ năm 1992, được duy trì và nâng cấp từ năm 2011, do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Phân ban. Hội đồng doanh nghiệp Việt-Nga được thành lập nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Năm 2017, Việt Nam và LB Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nga đạt 2,7 tỷ USD năm 2016 và 1,37 tỷ USD trong năm tháng đầu năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nga gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại...

Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.

Hiện Nga đứng thứ 23/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 118 dự án và tổng số vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng...

Vài năm trở lại đây, đầu tư của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, từ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, đến nay đã có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn 2,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet, trang trại của TH-True Milk và dự án Trung tâm thương mại Hà Hội tại Moskva.

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới, hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên tổ chức thường niên, luân phiên “Những Ngày Văn hóa” tại Việt Nam và Nga. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường du lịch tăng trưởng hàng đầu ở Việt Nam, năm 2015 đón 340.000 lượt khách, năm 2016 đón 430.000 lượt khách và quý 1/2017 đón 150.000 lượt khách.
Tiếp nối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, hiện có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.

Hợp tác an ninh-quốc phòng được đẩy mạnh, hợp tác khoa học-công nghệ tiếp tục được duy trì, hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện.
Cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác Việt Nam-LB Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay, hai nước đã ký kết hơn 100 văn kiện hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự...

Việt Nam-Belarus: Đạt được thành quả trên nhiều lĩnh vực

Ngày 24/1/1992, Việt Nam và Belarus đã ký Hiệp định về thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Tuy nhiên, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ lâu đời.

Trải qua nhiều thập kỷ với những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Belarus đã luôn được Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước vun đắp và phát triển, đem lại nhiều thành quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh...

Mối quan hệ tốt đẹp này được khẳng định trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao với việc hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao Nhà nước, Chính phủ và các đoàn của các Bộ, ngành và địa phương. Gấn đây nhất, vào tháng 11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Belarus. Tháng 12/2015, Tổng thống Belarus Lukashenko thăm chính thức Việt Nam.

Trước đó vào tháng 5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và tháng 5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Belarus. Và tháng 11/2011, Thủ tướng Belarus cũng đã thăm Việt Nam.

Cùng với đó, hai bên duy trì phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như: Liên Hợp quốc và Phong trào Không liên kết, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước, cùng nhau phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021.

Cùng với hợp tác về chính trị, lĩnh vực kinh tế-thương mại cũng được hai nước đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, kim ngạch thương mai hai chiều luôn tăng cao. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt hơn 49 triệu USD, đến năm 2016 đã đạt gần 95 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính....

Việt Nam nhập khẩu từ Belarus chủ yếu là phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất...

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật được thành lập và duy trì họp thường niên. Gần đây nhất, khóa họp 12 đã diễn ra tại Belarus từ ngày 26-27/10/2015. Ngày 15/12/2014, tại Việt Nam dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã tổ chức Lễ tuyên bố về việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan. Tháng 5/2015, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do tại Kazakhstan. Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu đã phê chuẩn Hiệp định, Hiệp định có hiệu lực từ 5/10/2016.

Bên cạnh đó, hợp tác trong an ninh quốc phòng, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, hợp tác lao động luôn được hai nước quan tâm, thúc đẩy.

Về giáo dục-đào tạo, Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Belarus.

Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt.

Đồng thời hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau ký 29/11/2011 có hiệu lực từ 6/6/2013. Cộng đồng Việt Nam ở Belarus có khoảng 600 người được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại. Tháng 12/2006, Tổng thống A. Lukashenko cho phép những công dân Việt Nam đã lao động, học tập tại Belarus trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài.

Chuyến thăm Belarus lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm khẳng định coi trọng việc phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Belarus, tăng cường quan hệ chính trị tốt đẹp, tạo nền tảng mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo xung lực thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-LB Nga-Belarus