Tăng cường giám sát, kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tư pháp

Mai Thoa| 29/09/2015 23:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp Ban chỉ đạo CCTP Trung ương mới đây, Ban cán sự Đảng TANDTC, VKSNDTC đã trình Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.

Theo đó, nhiều giải pháp được cho là hữu hiệu để từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và đó cũng là mục tiêu mà các Đề án đề ra.

Những biện pháp kiểm soát tiêu cực

Theo Tờ trình của Ban cán sự Đảng TANDTC, trong những năm qua, cùng với công tác nghiên cứu, hoàn thiện về tổ chức và hoạt động xét xử, tăng cường cán bộ, Ban cán sự Đảng TANDTC luôn quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và các biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các Tòa án và coi đây là công tác thường xuyên nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Thường xuyên chú trọng đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đao đức lối sống cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán… Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức tốt các phong trào thi đua; xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy chế về tăng cường kỷ luật công vụ, gắn với chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ Thẩm phán.

Trong số các giải pháp được lựa chọn để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, TANDTC cho rằng, cải cách chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với công chức, Thẩm phán phù hợp với đặc thù của hoạt động Tòa án; xây dựng các quy định, quy chế tăng cường kỷ luật công vụ để tiến tới xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”. Cùng với đó là việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp của TAND là biện pháp phòng, chống tiêu cực trực tiếp, hiệu quả và coi đây là biện pháp có ý nghĩa then chốt. Theo đó, cần thực hiện tốt cơ chế thanh tra nội bộ, kiểm tra hoạt động và tự kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện công tác thanh tra công vụ, hành chính, tập trung chú ý và phát hiện kịp thời các biểu hiện, hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức để kịp thời chấn chỉnh, xử lý và coi đây là “yếu tố quyết định trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Cơ bản tán thành với các giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp được TANDTC đưa ra, Thường trực Ban chỉ đạo cho rằng, về cơ bản, Đề án đã nêu đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, như hoàn thiện thể chế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… Đề án cũng đã chú trọng đến các giải pháp quan trọng như: Ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, đề cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và năng lực của đội ngũ cán bộ. Trong đó, việc hoàn thiện cơ chế giám sát trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức Toa án cũng được quan tâm.

Tăng cường giám sát, kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tư pháp

Phiên họp Ban chỉ đạo CCTP Trung ương cho ý kiến về hai đề án của TANDTC và VKSNDTC

Tuy nhiên, Đề án cần bổ sung thêm các giải pháp khắc phục hiện tượng, hành vi tiêu cực được dư luận quan tâm phản ánh thời gian qua như móc ngoặc, cấu kết giữa Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán, luật sư trong quá trình tố tụng…

Tăng cường giám sát, kiểm soát lẫn nhau

Theo Tờ trình của Ban cán sự Đảng VKSNDTC, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong nội bộ ngành KSND khi tiến hành các hoạt động tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại. Việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp có liên quan đến công chức của ngành KSND chưa được kịp thời, vẫn để kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức trong ngành có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực…

Tại phiên họp Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, nhiều đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về hai Đề án của TANDTC và VKSNDTC nói riêng và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, hoạt động tư pháp là liên thông nên việc kiểm soát đảm bảo sự công khai, minh bạch cần có sự liên thông, phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, thậm chí là của cả các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Cùng với đó là việc hoàn thiện pháp luật để cán bộ không có điều kiện “vận dụng”, “lách luật”, phải tạo dựng được “văn hóa xấu hổ”, tạo áp lực xã hội trong đấu tranh lên án hành vi tiêu cực để cán bộ, công chức không dám tham nhũng, tiêu cực. Con người là yếu tố quyết định nên các giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cần tập trung để mỗi cán bộ, công chức “nói không” với tham nhũng, tiêu cực, trong đó “cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bằng cả chế tài hình sự và các chế tài hành chính, kinh tế, đạo đức…

Nhận thấy đa số vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp được phát hiện từ bên ngoài, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, để phòng, chống tiêu cực trong các cơ quan được coi là “chỗ dựa” công lý của xã hội, cần tăng cường các giải pháp từ bên ngoài, nhất là khai thác “kênh” luật sư, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu sự tiếp cận giữa người xử lý vụ án với đương sự  nhằm giảm tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức sau khi Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường trong các vụ oan, sai, có vi phạm để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi  công vụ, hạn chế tiêu cực.

Theo Thường trực Ban chỉ đạo, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thì cần xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát các hoạt động giữa các cơ quan tố tụng, các cơ quan được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp; xác định rõ trách nhiệm và cơ chế bảo đảm việc thực hiện đúng đắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong hoạt động tư pháp và phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Đánh giá cao nội dung Đề án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh, để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cần có những giải pháp sát với hoạt động thực tiễn và thực trạng phòng, chống tiêu cực của các cơ quan tư pháp. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tư pháp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của từng cơ quan và mỗi cán bộ cũng phải tự kiểm soát bản thân để có hành vi phù hợp. Đặc biệt, cần sử dụng hiệu quả “chế tài dư luận” để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thông qua việc công khai, minh bạch.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát, kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động tư pháp