Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam

Quỳnh Hoa| 08/12/2015 13:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiến độ thực thi Hiến pháp 2013 và kết quả thực hiện cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người và quyền công dân là trọng tâm thảo luận của Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 11 diễn ra sáng nay (8/12) tại Hà Nội.

Diễn đàn với chủ đề "Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam" do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện các Ban của Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, các đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ. 

Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam

Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã thiết thực góp phần vào những thành tựu về nhiều mặt Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Nhờ đó Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trong khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao. 

Khẳng định việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng của năm 2016 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh để hoàn thành tốt công việc này, ngoài quyết tâm chính trị cần có sự nhận thức đầy đủ, sự đầu tư lớn về thời gian, tiền bạc, công sức. Bộ trưởng Hà Hùng Cường tin tưởng rằng các tham luận, chia sẻ tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin quý báu giúp Việt Nam tìm ra các giải pháp phù hợp, tiếp tục nghiên cứu triển khai có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, thực hiện tốt các luật, bộ luật vừa được Quốc hội thông qua cũng như khuyến nghị về cơ chế rà soát định kỳ phổ quát. 

Bà Pratibha Mehta cho rằng Diễn đàn đối tác pháp luật là kênh quan trọng để chia sẻ thông tin về những bước phát triển mới trong pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam. Tại Diễn đàn sẽ có các nội dung quan trọng liên quan tới quyền con người, vấn đề cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Bà Pratibha Mehta cho biết không phải ngẫu nhiên Diễn đàn bàn về cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Cơ chế này giúp cải thiện và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm… 

Tại Diễn đàn, đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã trình bày tiến độ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2005-2015. Theo đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua đã bám sát mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW; đường lối đổi mới của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Một trong những kết quả nổi bật của cải cách tư pháp là Hiến pháp phân định rõ Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát hoạt động tư pháp giữa các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án, luật sư, bổ trợ tư pháp cơ bản được hình thành, quyền tư pháp của tòa án nhân dân được xác lập bước đầu… 

Trong Diễn đàn này, đại diện Bộ Ngoại giao trình bày Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR); đại diện Bộ Tư pháp trình bày những luận điểm mới trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và ý nghĩa của những sửa đổi này đối với việc thực hiện các khuyến nghị UPR; nhấn mạnh tới những điểm mới trong Bộ luật như quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bỏ án tử hình đối với 7 tội danh… 

Diễn đàn đối tác pháp luật được tổ chức trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”. Đây là sự kiện thường niên quan trọng thu hút sự tham gia của đại diện Chính phủ và các đối tác phát triển thảo luận về những ưu tiên chủ chốt trong chương trình cải cách luật pháp và tư pháp ở Việt Nam 

Kết quả của Diễn đàn giúp cộng đồng quốc tế hiểu thêm những nỗ lực và khó khăn, thách thức của Việt Nam để từ đó góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong cải cách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam