Sắp xếp theo đơn vị hành chính tại 11 tỉnh: Cần rà soát kỹ lại các nội dung về từ ngữ lập pháp

Ngọc Mai| 17/12/2019 14:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tòa án và Viện Kiểm sát được sắp xếp theo đơn vị hành chính, do đó cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát kỹ lại các nội dung, về từ ngữ và kỹ thuật lập pháp đến các vấn đề có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị.

Sáng nay (17/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình đề án của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và 01 quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019-2021, UBND các tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019-2021.

Các nội dung đề nghị thành lập các đơn vị hành chính đô thị của một số tỉnh cũng đã bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sắp xếp theo đơn vị hành chính tại 11 tỉnh: Cần rà soát kỹ lại các nội dung về từ ngữ lập pháp

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm rõ thêm việc giải thể, thành lập mới các Tòa án các địa phương sau khi sát nhập, thành lập mới các đơn vị hành chính

UBND các tỉnh nêu trên có Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Chính phủ. Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét. Chính phủ đã thông qua và có các Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc bổ sung hồ sơ đề án của tỉnh Hòa Bình, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thành lập phường Kỳ Sơn thuộc thành phố Hòa Bình cũng đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho chủ trương nhập nguyên trạng huyện Kỳ Sơn với thành phố Hòa Bình. Đối với việc phường Kỳ Sơn sau khi được thành lập không liền kề với khu vực nội thành hiện nay của thành phố Hòa Bình (ngăn cách bởi xã Trung Minh rồi mới đến trung tâm thành phố Hòa Bình), pháp luật hiện hành không quy định các phường thuộc thành phố thuộc tỉnh phải liền kề nhau và thực tế tại một số thành phố, thị xã của nước ta hiện nay vẫn còn hiện trạng giữa các phường cũng có sự ngăn cách bởi các xã, như: thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên)...

Mặt khác, hiện nay UBND tỉnh Hòa Bình đang xây dựng đề án thành lập phường Trung Minh trên cơ sở nguyên trạng xã Trung Minh. Vì vậy, trong thời gian tới khi đề án thành lập phường Trung Minh được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sẽ bảo đảm vị trí của phường Kỳ Sơn liền kề với khu vực nội thành của thành phố Hòa Bình. Do đó, Chính phủ thống nhất với các giải trình và đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về thành lập phường Kỳ Sơn nêu trên.

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng các tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, căn cứ các Khoản 2, 3 Điều 2 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, tại hồ sơ đề án của các tỉnh cũng đã giải trình rất chi tiết các lý do chưa tiến hành sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 hoặc khi thực hiện sắp xếp nhưng đơn vị hành chính mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề nhằm tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số để đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của các địa phương.

Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, đề án của các tỉnh đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, mặc dù Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chậm nhất 05 năm sau sắp xếp thì số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới phải bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, đề án của các tỉnh đều phấn đấu việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư sẽ hoàn thành trước năm 2022.

Về việc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề án của các tỉnh, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bổ sung hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh nêu trên.

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình, báo cáo làm rõ thêm về từng nội dung của các Đề án.

Liên quan đến các cơ quan Tư pháp sắp xếp theo đơn vị hành chính, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Tòa án ủng hộ Tờ trình của Chính phủ và các địa phương. Riêng ngành Tòa án trước đây đã có Đề án thí điểm sáp nhập Tòa án cấp huyện ở 35 Tòa án có quy mô án dưới 35 vụ/năm và biên chế 8 người/đơn vị.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong khi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh công việc nhiều, không có người làm thì ở 160 Tòa án cấp huyện quy mô án rất ít và chỉ có 8 người/ đơn vị.

“Chúng tôi sẵn sàng sáp nhập để nâng cao năng lực của Tòa án cấp huyện”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Cơ bản tán thành Đề án của Chính phủ

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đã có 12 Báo cáo thẩm tra 11 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đề án thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông theo 12 Tờ trình của Chính phủ.

Sắp xếp theo đơn vị hành chính tại 11 tỉnh: Cần rà soát kỹ lại các nội dung về từ ngữ lập pháp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính.

Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này, đã giảm được 02 đơn vị hành chính cấp huyện và 182 đơn vị hành chính cấp xã. Qua xem xét hồ sơ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ.

Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Trên tinh thần đố, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách của các tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại diện Chính phủ (lãnh đạo Bộ Nội vụ) và đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh đã trực tiếp giải trình, báo cáo làm rõ các nội dung mà thành viên Ủy ban pháp luật nêu.

Đồng thời, ngày 16/12/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 659/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hoàn chỉnh hồ sơ và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với 12 Đề án.

Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình của Chính phủ và kiến nghị, đề xuất như sau: sau khi cân nhắc, thảo luận và nghe ý kiến giải trình của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với 11 tỉnh, gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An; ban hành Nghị quyết về việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.

Căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh trình đợt này, có 03 đơn vị hành chính cấp huyện và 24 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp, Ủy ban Pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với 02 trường hợp cấp huyện (huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ) và 16 trường hợp cấp xã.

Đối với thị xã Quảng Trị và 08 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo địa phương tiếp tục quán triệt và nghiêm túc, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính.

Trong số 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các đơn vị hành chính sau sắp xếp mà chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là khá lớn (76 đơn vị). Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ lưu ý, quán triệt trong quá trình chuẩn bị Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất ổn định của đơn vị hành chính.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các đơn vị hành chính mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu, giấy tờ có liên quan.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những đơn vị hành chính liên quan đến việc sắp xếp. 

Để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong năm 2019 theo kế hoạch của Trung ương, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án của các tỉnh còn lại (dự kiến khoảng 25 tỉnh) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong tháng 12/2019, chậm nhất là tháng 01/2019.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động; sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của TAND, Viện KSND tại các đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, thành lập mới theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Không hợp nhất cơ học mà cần đảm bảo hợp nhất về biên chế, lao động, việc làm

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình Đề án của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần làm việc nghiêm túc của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị Đề án. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các nội dung đều phải được rà soát một cách kỹ lưỡng, trong đó có việc đảm bảo các tiêu chí đồng bộ, đảm bảo phát triển chất lượng đô thị, không gian đô thị tại các đơn vị hành chính mới.

Sắp xếp theo đơn vị hành chính tại 11 tỉnh: Cần rà soát kỹ lại các nội dung về từ ngữ lập pháp

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết thúc phiên họp

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, đối với các xã mới thành lập thì trụ sở UBND xã sẽ đặt ở đâu; cơ sở vật chất, trung tâm của xã sẽ được sắp xếp như thế nào; các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã đó sẽ ra sao. Đồng thời, về việc đặt tên của các đơn vị hành chính mới, Phó Chủ tịch đề nghị cần thận trọng, xem xét kỹ lưỡng để giữ được những tên cổ, tên đi vào lịch sử.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, đối với ngành Tư pháp, Tòa án và Viện kiểm sát được sắp xếp theo đơn vị hành chính. Do đó cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát kỹ lại các nội dung, về từ ngữ và kỹ thuật lập pháp đến các vấn đề có liên quan.

Cũng cho ý kiến tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần đánh giá tác động kỹ của vấn đề hợp nhất, không chỉ đảm bảo về hợp nhất cơ học mà còn đảm bảo về hợp nhất các cơ quan hành chính, về biên chế, lao động, việc làm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Về cơ bản các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quốc hội tán thành đề án của Chính phủ, các tờ trình được chuẩn bị công phu thận trọng. Ở các địa phương đã lấy ý kiến cử tri trong việc sắp xếp đơn vị hành chính, đáp ứng đầy đủ các Nghị quyết của Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã đề nghị Chính phủ quán triệt, chỉ đạo việc sắp xếp theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. Ở những địa phương có tính chất đặc thù như quy mô dân số, diện tích không đảm bảo (hoặc quá rộng) cần xem xét kỹ lưỡng. Ở những đơn vị mới được sáp nhập, do điều kiện thực tế chưa phát triển được cơ sở hạ tầng thì cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi… Những cơ quan đơn vị trên địa bàn như Tòa án, Viện kiểm sát cần khẩn trương sắp xếp để hoàn thiện theo kế hoạch đã đề ra.

“Việc sắp xếp này thực hiện theo đúng kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhưng phải bảo đảm đoàn kết trong nhân dân, ổn định chính trị và đời sống người dân. Cơ sở vật chất của các địa phương sau khi sắp xếp phải tính toán, giữ gìn sử dụng tiết kiếm, chống lãng phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 100% Ủy viên UBTVQH đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 11 tỉnh, thành phố. Sau phiên họp này, Quốc hội sẽ ký ban hành Nghị quyết và sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, 11 tỉnh, thành phố được sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2020.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp theo đơn vị hành chính tại 11 tỉnh: Cần rà soát kỹ lại các nội dung về từ ngữ lập pháp