Sẵn sàng cho ngày bầu cử

Mai Thoa| 19/05/2016 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ còn hai ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, công tác chuẩn bị bầu cử cơ bản đã hoàn tất.

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất

Theo Báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, thời gian qua, công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đã được triển khai tích cực từ trung ương tới địa phương theo đúng tiến độ đề ra. Các công việc như thành lập các tổ chức bầu cử, lập và niêm yết danh sách cử tri, các hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử đều được triển khai đúng luật, đúng tiến độ; công tác giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo đúng tiến độ; kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; công tác thông tin tuyên truyền được triển khai tới toàn dân; an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo cho cuộc bầu cử tiến hành theo đúng quy định. Đến nay, công tác bầu cử đã bước vào giai đoạn nước rút, với việc tổ chức vận động bầu cử, hoàn thành việc lập, niêm yết danh sách cử tri, kịp thời giải quyết, xử lý và trả lời đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân về những người tham gia ứng cử. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm.

Hội đồng bầu cử cũng đã có những chỉ đạo về việc tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu… tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các đối tượng bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ; đẩy mạnh trang trí, trang hoàng ở các khu dân cư, khu công cộng, điểm bỏ phiếu. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử.

Sẵn sàng cho ngày bầu cử

Phiên họp Hội đồng bầu cử quốc gia

Sau khi kết thúc bầu cử, các bộ phận chức năng nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới. Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội. Chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến UBTVQH, Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. Bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trách nhiệm cao với đất nước

Để ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp, đúng tinh thần là ngày hội của toàn dân, cử tri đi bầu lựa chọn những người xứng đáng bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước và địa phương, nhiều ý kiến cho rằng sự nỗ lực của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương là điều rất quan trọng.

Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan bầu cử từ Trung ương đến địa phương phải quyết liệt và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức chỉ đạo, kiểm tra giám sát, nhất là quan tâm đến chỉ đạo các đơn vị bầu cử cơ sở gần dân, sát dân hơn nữa; đến từng nhà dân để tuyên truyền trao đổi kỹ lưỡng về công tác bầu cử. Tránh tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ dán danh sách ứng cử viên tại trụ sở của tổ dân phố rồi cử tri ai quan tâm thì tự đến xem xét và tìm hiểu, vì như vậy thì nhạt quá.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm công dân, mỗi cử tri cần xốc lại ý thức, phải nhận thức sâu sắc rằng, việc cầm lá phiếu trên tay để bỏ vào thùng phiếu không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi cử tri. Đã là trách nhiệm nếu không làm là vi phạm pháp luật. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn khi ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều và đa dạng. Đây là thuận lợi, nhưng cần có nhiều hơn nữa các hình thức tuyên truyền. Đặc biệt cần coi trọng hình thức các cán bộ phụ trách bầu cử và các tuyên truyền viên đi sâu xuống tận cơ sở, đến từng gia đình để tuyên truyền. Ngoài ra, việc phổ biến và tuyên truyền thông qua các bài hát về bầu cử cũng là một hình thức rất cần được chú ý triển khai mạnh mẽ hơn nữa từ nay đến ngày bầu cử.

Một điều quan trọng nữa là kiên quyết khắc phục tình trạng bầu hộ, bầu thay. Muốn vậy, cần đi sâu, đi sát để nhân dân nhận thức một cách đầy đủ ý nghĩa và vai trò của cuộc bầu cử để từ đó, cử tri thấy rõ được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với việc lựa chọn ra những người đại biểu dân cử thật sự có năng lực, đại diện cho quyền lợi chính đáng và ý nguyện của họ. Kiên quyết để ngày bầu cử tới sẽ không còn tình trạng bầu hộ, bầu thay. Trong tuyên truyền, cần khơi dậy tinh thần của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, để ngày 22/5 tới thật sự là Ngày hội của toàn dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long  cũng đề cập đến trình tự tiến hành bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Luật Bầu cử đã quy định, trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải tiến hành kiểm tra hòm phiếu, có sự chứng kiến của cử tri. Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục trong khoảng thời gian theo quy định. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ, làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì tổ bầu phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, thì tiến hành việc kiểm phiếu theo quy định. Trước khi mở hòm phiếu, tổ bầu cử phải thống kê lập biên bản niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời 2 cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến kiểm phiếu và kể cả phóng viên báo chí cũng có thể được chứng kiến việc kiểm phiếu. Kết quả kiểm phiếu phải ghi bằng biên bản…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho ngày bầu cử