Rút Luật Đất đai và Luật Khám chữa bệnh ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 9

Ngọc Mai| 22/05/2020 15:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định, đưa ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ 9 hai dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Rút Luật Đất đai và Luật Khám chữa bệnh ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 9

Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2019.

Theo Chương trình đã được quyết định, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và Nghị quyết về Chương trình năm 2021; đồng thời cho ý kiến đối với 07 dự án luật khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: tính dự báo của Chương trình không cao; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 cần bảo đảm các nguyên tắc sau: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật mới được Quốc hội ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; trong một kỳ họp không giao quá nhiều dự án, dự thảo cho một cơ quan (cả cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo). Không đưa vào Chương trình những dự án, dự thảo mà hồ sơ không đầy đủ, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với việc điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ: không được làm ảnh hưởng, thay đổi cơ bản Chương trình đã được Quốc hội quyết định; không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết. Đối với Chương trình năm 2021, do đặc thù là năm chuyển giao nhiệm kỳ, do đó hạn chế số lượng dự án đưa vào Chương trình, đồng thời bố trí hợp lý số lượng dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV và Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV để tập trung cho công tác tổng kết cuối nhiệm kỳ và bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước đầu nhiệm kỳ.

Đưa Luật Đất đai và Luật KCB ra khỏi chương trình năm 2020

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên và đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan, đồng thời qua xem xét, cho ý kiến về nội dung các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định, đưa ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ 9 hai dự án:

Một là, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng; nếu kịp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020. 

Hai là, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan và trình đồng thời với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) nhằm bảo đảm thống nhất và chất lượng. Sau khi Chính phủ hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung để báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình.

Đối với các dự án luật khác Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định:

Thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021)

Bổ sung vào Chương trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và bổ sung 04 dự án trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 10 để cho ý kiến đối với 03 dự án luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc.

Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

Như vậy, sau khi điều chỉnh dự kiến Chương trình năm 2020 thì tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 06 dự án luật.  Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội thông qua 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 04 dự án luật. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 01 dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi))(dự kiến tháng 8/2020).

Cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung vào Chương trình các dự án luật

Về dự kiến Chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ có 04 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và theo nguyên tắc sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11, bao gồm các dự án: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); (2) Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); (3) Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, để tập trung cho công tác nhân sự của bộ máy nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không trình các dự án luật để Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông lệ hoạt động, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm tiếp theo. Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự thảo Nghị quyết về Chương trình năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV theo quy trình tại một kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời đưa dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2020 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sang Chương trình năm 2021 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật về Dịch vụ công và kiến nghị về các luật khác.

Đồng thời lưu ý Chính phủ về các dự án cần tiếp tục bổ sung vào chương trình trong thời gian tới theo yêu cầu tại các Nghị quyết Trung ương, Kế hoạch của Bộ Chính trị, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, các nghị quyết của Quốc hội, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể: Luật Nhà ở, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, Luật Y, dược cổ truyền, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Dân chủ ở cơ sở... để thực hiện các Nghị quyết Trung ương khóa XII, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP; các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết để triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam mới ký kết hoặc phê chuẩn.

Còn 21 dự án luật, pháp lệnh thuộc Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của UBTVQH ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.

Một số dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác được nêu trong nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút Luật Đất đai và Luật Khám chữa bệnh ra khỏi chương trình Kỳ họp thứ 9