Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Mai Thoa| 06/03/2019 19:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) đã tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.

Rất nhiều sai phạm được xử phạt

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 2 tháng đầu năm 2019, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện tổng số 14.068 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 10.297 vụ vi phạm, với số tiền 39,407 tỷ đồng; tạm giữ 25 ô tô; đình chỉ hoạt động 68 bến và 50 phương tiện thủy nội địa; giám sát 242 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 197 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Về kết quả năm 2017, qua thanh tra, đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm (về các lỗi vi như: Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe; không lập hồ sơ lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề của lái xe; bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT không duy trì hoạt động…); kiến nghị xử lý vi phạm đối với 30 đơn vị có 716 xe, người lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày xe hoạt động trong một tháng; 08 đơn vị có 17 xe, người lái xe có trên 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy trong một tháng; 12 đơn vị có 97 xe không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Năm 2018, kết quả thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý 21 đơn vị kinh doanh vận tải; xử phạt vi phạm hành chính đối với 33/45 (chiếm 73%) đơn vị được kiểm tra có vi phạm về xếp hàng vượt quá tải trọng quy định; kiến nghị xử lý 11 đơn vị và 1 cá nhân, điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ô tô 5 đơn vị, tạm đình chỉ tuyển sinh, đào tạo lái xe ô tô hạng D hoặc hạng E của 5 đơn vị, yêu cầu 10 Sở GTVT được thanh tra tổ chức rút kinh nghiệm về các tồn tại, thiếu sót về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đình chỉ 7 đăng kiểm viên, cảnh cáo 2 trung tâm đăng kiểm, yêu cầu 14 đơn vị đăng kiểm rút kinh nghiệm do có các tồn tại, thiếu sót trong công tác đăng kiểm phương tiện.

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên giải trình

Nhóm nghiên cứu của UBTP cũng đánh giá: Qua các báo cáo của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Y tế, kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến kiến nghị của cử tri… thấy rằng công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra; TTATGT trong các dịp tổ chức sự kiện quốc tế được bảo đảm tốt, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; tình hình tai nạn giao thông trong các năm 2017, 2018 đều giảm so với năm trước trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)…

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về TTATGT và tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm: 8.190 người chết; 14.792 người bị thương).

Tại phiên giải trình, UBTP đề nghị các bộ, ngành trên làm rõ trách nhiệm của mình liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông và xử lý vi phạm.

Đặc biệt, Bộ Công an được đề nghị giải trình về một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng "bảo kê" cho vi phạm.

Sẽ có những kiến nghị cụ thể với Quốc hội

Tại phiên giải trình, các ý kiến nêu vấn đề: Từ lâu dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.

Thống kê cho thấy, từ ngày 16/11/2016 đến15/2/2019 đã xử lý 344 cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác. Hay vụ án 7 cán bộ thanh tra giao thông Cần Thơ thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông…

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị đối với lái xe bị phát hiện sử dụng ma túy phải ghi thẳng vào lý lịch và cấm vĩnh viễn làm lái xe chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng cần thu bằng lái xe vĩnh viễn đối với trường hợp sử dụng ma túy và nồng độ cồn thì thu bằng từ 6 tháng đến vĩnh viễn tùy mức độ vi phạm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền cho rằng báo về tội phạm trong lĩnh vực ATGT phải được đánh giá đậm nét thì mới thấy được trách nhiệm quản lý nhà nước.

Theo ông Quyền, "việc xử lý vi phạm đối với những tội phạm ATGT rất có vấn đề. Chính sách hình sự cần phải xem lại nhất là khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Trách nhiệm hình sự là của công dân chứ không phải là dân sự, dàn hòa với nhau". Vậy nên đề nghị việc xử lý lái xe sử dụng ma túy phải xử lý pháp nhân (chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải). Theo ông Quyền, chủ doanh nghiệp chỉ đạo hoặc làm ngơ việc lái xe chở quá trọng tải, sử dụng ma túy thì chủ doanh nghiệp là đồng phạm nên phải được xử lý.

Nếu như chỉ đánh giá là do ý thức của người dân về ATGT là không đúng hoàn toàn, bởi trước hết là trách nhiệm của lực lượng chức năng nhưng xử lý không nghiêm. Vấn nạn vi phạm ATGT, TNGT muốn xử lý được thì điều quan trọng là quản lý nhà nước phải nghiêm, phải làm rõ trách nhiệm, nếu không chỉ ra được trách nhiệm thì mãi mãi không xử lý mối họa TNGT", ông Quyền nhấn mạnh.

Để tháo gỡ, khắc phục những hạn chế đã được các đại biểu nêu ra, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, nhiều giải pháp phải thực hiện có lộ trình và yêu cầu đầu tư về kinh phí, ngân sách…

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết: Sau phiên giải trình, sẽ có bản kiến nghị chi tiết gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, trước tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm TTATGT đang diễn ra phức tạp, tình hình TNGT nghiêm trọng, với số lượng lớn, đáng báo động về số người chết, người bị thương, đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao về việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ; Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 19/1/2019.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT để đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí. Thắt chặt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng các khu đô thị, các chung cư cao tầng và trung tâm thương mại, đầu mối hàng hoá quy mô lớn phải phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông và tránh nguy cơ gây mất TTATGT.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông