Quy định chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

PV| 16/10/2019 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 16/10.

Cần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quy định hiện hành còn có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; Một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành.

Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.

Một số thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường; Quy định của pháp luật về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí tạo thêm rào cản, bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông khác. Các quy định liên quan đến tổ chức lại doanh nghiệp còn có một số bất cập, hạn chế...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Mục tiêu tổng quát là xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN.

Quy định chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

 

Cụ thể, sẽ tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh,  góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Tránh thất thoát vốn Nhà nước trong doanh nghiệp

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí với nội dung tại Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Dũng khẳng định, Luật không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Dự thảo Luật cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trước khi luật hoá quy định về hộ kinh doanh thì cần phải trả lời câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp? Lên doanh nghiệp chế độ kế toán, sổ sách, thuế má phức tạp hơn…Chưa kể, lên doanh nghiệp rồi còn phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra. Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật thì đương nhiên coi họ như doanh nghiệp nên phải có đánh giá kỹ càng, Tổng thư ký Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Một số ý kiến khác cũng không đồng tình và cho rằng không đưa vào Luật thì hộ kinh doanh vẫn hoạt động bình thường, nếu đưa vào có thể họ sẽ băn khoăn vì phải có nghĩa vụ thêm với Nhà nước thế nào? Cần cân nhắc thêm vì đặc trưng kinh tế của Việt Nam khác với các nước khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ. Quan điểm là vấn đề nào đã rõ, đã "chín" thì mới bổ sung, còn nếu không thì chỉ sửa những vấn đề bất cập để phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dễ dàng chứ không nên sửa đổi những vấn đề chưa đánh giá tác động, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Trong phần sửa đổi những quy định liên quan đến DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 9 Luật có liên quan, nhưng chỉ có 2 Luật cần phải được sửa đổi do thay đổi khái niệm DNNN trong Luật doanh nghiệp, bao gồm Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủy lợi. Do dó, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung vào điều khoản thi hành nội dung về sửa đổi luật có liên quan.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, với cách phân loại DNNN tại dự thảo Luật, cần nghiên cứu, xác định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp, có thể là 75% nhằm bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối, bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 5. Quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước tại dự thảo Luật chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong Công ty cổ phần.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp, bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN tới việc tổ chức quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có liên quan, không ảnh hưởng tới tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định về DNNN, bảo đảm tính tự chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp