Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Luật và thảo luận 2 dự án Luật

Ngọc Mai| 13/06/2019 07:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (13/6), Quốc hội biểu quyết Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Luật và thảo luận 2 dự án Luật

Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 8 Chương, 50 Điều (giảm 01 Chương, 16 Điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009). Một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội gồm tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi; bố cục của dự thảo Luật; vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ; nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; tổ chức, mở rộng lực lượng dân quân, tự vệ; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ...

Việc sửa đổi Luật Dân quân tự vệ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất với Luật Quốc phòng sửa đổi năm 2018 và một số luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 3 Điều, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa kiểm toán Nhà nước với các cơ quan liên quan; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động kiểm toán Nhà nước, tránh chồng chéo trong quy định về thẩm quyền của kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng.

Một điểm mới đáng chú ý là điểm d, khoản 2, Điều 7 được sửa đổi, bổ sung theo hướng "Báo cáo kiểm toán của kiểm toán Nhà nước là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại" nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Luật và thảo luận 2 dự án Luật

Sáng 12/6, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Trong ảnh các thành viên ban kiểm phiếu kiểm tra phiếu bầu

Trước đó ngày 12/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18 của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp riêng, tiến hành thủ tục đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Tổng thư ký Quốc hội sẽ công bố nội dung Nghị quyết này theo đúng thời gian luật định.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Trong quá trình thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do đi lại của người Việt Nam, góp phần cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể sau: Về phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử; quản lý, sử dụng và các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; cấp hộ chiếu cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; cấp giấy thông hành; các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh; thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng trong việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; …  

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc sửa đổi Luật là cần thiết, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi Luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, các ý kiến của đại biểu tập trung vào những vấn đề cụ thể như sau: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; về bố cục của dự án Luật; các quy định liên quan đến tiêu chuẩn lao động (về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu; về mức lương tối thiểu; về căn cứ xác định, điều chỉnh lương tối thiểu; về Hội đồng tiền lương Quốc gia; về kỳ hạn trả lương); về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu (về tuổi nghỉ hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; về nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn; về nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn); về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ Tết âm lịch; về bổ sung Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 dương lịch vào quy định nghỉ lễ, Tết; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; các quy định liên quan đến quan hệ lao động; về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; về quyền tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động; về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động; việc sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi; quy định về thử việc; hợp đồng lao động đối với lao động nữ;… 

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, với sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tùy tình hình đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV hoặc tiếp tục thảo luận, hoàn thiện dự thảo Bộ luật kỹ lưỡng hơn trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Luật và thảo luận 2 dự án Luật