Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn: Giám sát "lời hứa" để nâng cao trách nhiệm của Tư lệnh ngành

Ngọc Mai| 30/10/2018 06:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (30/10) Quốc hội bắt đầu tiến hành các phiên chất vấn tất cả thành viên Chính phủ có liên quan về việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của QH từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn: Giám sát

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Điểm mới trong hoạt động chất vấn này tại Kỳ họp thứ 6 QH, khoá XIV nhằm tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đi đến cùng vấn đề đã giám sát, chất vấn; đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của tư lệnh ngành trước QH, trước cử tri.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6 QH khoá XIV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ chính thức bắt đầu từ sáng ngày 30/10 và kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1/11.

Cụ thể, khoảng 8 giờ sáng nay, ngay sau khi Chủ tịch QH phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, QH sẽ nghe các báo cáo.

Tiếp theo đó, ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Vì đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên trong hoạt động chất vấn, QH sẽ không lựa chọn "cứng" danh sách 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề như các kỳ họp thông thường.

Thay vào đó, QH sẽ nghe các báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV, nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5.

Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 của QH khóa XIV.

Như vậy, bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng sẽ trả lời chất vấn nếu đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Chất vấn của ĐBQH là “không có nhiệm kỳ”

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 29/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, các phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 không có các nhóm vấn đề và không giới hạn các vị Bộ trưởng sẽ trả lời. Các phiên chất vấn lần này không phải là tiền lệ chưa có, trước đó trong kỳ họp thứ 13, tại phiên họp cuối cũng đã có Nghị quyết rà soát lại tất cả Nghị quyết giám sát trong toàn bộ nhiệm kỳ.

“Đây là hình thức tôi đánh giá là rất hiệu quả, từ trước đến nay vấn đề liên quan đến hậu giám sát vẫn rất nhiều đại biểu nêu, giám sát rất quyết liệt nhưng việc giải quyết kiến nghị giám sát, hậu giám sát còn là vấn đề. Đây là một trong những bước góp phần vào việc thúc đẩy kiến nghị sau giám sát”,  bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải: “Điều này mang ý nghĩa lớn, thể hiện rằng các phát biểu, chất vấn của ĐBQH đại diện cho ý kiến của cử tri là ‘không có nhiệm kỳ’, hết nhiệm kỳ lại ra soát, chuyển lại cho nhiệm kỳ sau”.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc ra soát được đưa ra giữa nhiệm kỳ và ở cuối nhiệm kỳ sẽ có những đợt rà soát tương tự như kỳ trước, sẽ thúc đẩy các kiến nghị, chất vấn của các ĐBQH với các Bộ trưởng được thực hiện sớm hơn trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thứ hai, các kiến nghị đó qua chất vấn này, các bộ trưởng sẽ tự rà soát lại trách nhiệm của mình dưới góc nhìn của cử tri.

“Quốc hội sẽ xem xét lại các nội dung đã chất vấn các thành viên Chính phủ trong 4 kỳ họp vừa qua đã thực hiện như thế. Do vậy tôi cho rằng, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung vấn đề mà các đại biểu đã theo đuổi cũng như các vấn đề mà thành viên Chính phủ thực hiện”.

Nhiều chuyển biến tích cực sau chất vấn

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết: Sau khi QH ra nghị quyết về chất vấn, nhiều lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực. Ví dụ, tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về 12 dự án thua lỗ và hướng xử lý. Qua theo dõi, tôi thấy cách xử lý của Chính phủ, Bộ Công thương về 12 dự án này tương đối phù hợp. Không vì thua lỗ chúng ta bán, phá sản doanh nghiệp đó, mà có lộ trình để giảm dần lỗ và hoạt động trở lại hiệu quả. Giải trình trước QH về vấn đề này tại Phiên thảo luận kinh tế-xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện 2 dự án bắt đầu hoạt động có hiệu quả thì chuyển ra khỏi danh mục phục hồi; khi chuyển ra khỏi danh mục này thì sẽ thực hiện cổ phần hóa, và như vậy sẽ không bị thất thoát tài sản của Nhà nước, hoặc số thất thoát sẽ giảm.

Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn: Giám sát

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Tôi cũng từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tự chủ đại học. Thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ. Hiện có 27 trường đại học thực hiện tự chủ, đây là thành công rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Chính phủ trong việc tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình, mang lại hiệu quả thiết thực, giảm gánh nặng ngân sách.

Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy tình trạng gian lận thi cử, gây bức xúc dư luận. Tại Phiên thảo luận về kinh tế-xã hôi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giải trình về vấn đề này. Tôi cho rằng, giải trình của Bộ trưởng là có cơ sở. Tiêu cực vừa qua không phải xảy ra ở tất cả địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi, còn ở đô thị, các tỉnh đồng bằng thi cử thực hiện tương đối nghiêm túc. Điều đó cho thấy, nếu thực hiện nghiêm quy định của pháp luật thì sẽ không xảy ra tiêu cực. Việc bỏ qua quy định của pháp luật thì trách nhiệm thuộc về người được giao nhiệm vụ thực thi. Ở đây có trách nhiệm của địa phương, chứ không hoàn toàn là lỗi của bộ, ngành. Tuy nhiên, đây là sự cố xảy ra thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ phải chịu trách nhiệm chính.

Tôi mong rằng, sau phiên chất vấn thì những tồn tại của các ngành sẽ được các tư lệnh ngành lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị, trên cơ sở đó có những giải pháp hữu hiệu để quản lý hiệu quả hơn.

Còn đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) thì chia sẻ: Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tiếp tục đeo đuổi và chất vấn thành viên Chính phủ về vấn đề di dân tái định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân. Mặc dù có những lúc chậm trễ khiến người dân bức xúc nhưng có thể nói các bộ, ngành liên quan thời gian qua rất quan tâm đến giải quyết vấn đề dân di cư tự do.

Để đánh giá việc giải quyết thời gian qua đã tốt chưa, theo đại biểu “vẫn chưa hoàn toàn như mong muốn, bởi địa hình ở Tây nguyên chia cắt nên việc tạo quỹ đất rất khó khăn. Có quỹ đất rồi nhưng chỉ trồng được một vài năm thì lại sói mòn, rửa trôi và như vậy người dân lại thiếu đất sản xuất. Khó khăn là vậy nhưng Chính phủ và các bộ ngành vẫn phải tìm phương án giải quyết vì đây là kế sinh nhai duy nhất của người dân”.

Theo đại biểu Tô Văn Tám đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phần lớn các chất vấn, lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản đều được giải quyết. Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng, trưởng ngành đặc biệt Chánh án TANDTC và Viện KSNDTC đã tập trung giải quyết những vấn đề đại biểu chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đại biểu cho rằng, việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng, Trưởng ngành trước Quốc hội thể hiện rõ nhất trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp 6, đó là 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch, điều này chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ và các thành viên chính phủ trong thực hiện lời hứa, chất vấn của đại biểu.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) thì cho rằng, các phiên chất vấn kỳ này Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện “lời hứa” của các Bộ trưởng thông qua kết quả các kỳ giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Theo chương trình kỳ họp, ngay sau khi Chủ tịch QH phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, QH sẽ nghe các báo cáo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn: Giám sát "lời hứa" để nâng cao trách nhiệm của Tư lệnh ngành