Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sao cho hiệu quả

Quốc Huy| 08/09/2016 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay 8/9, tại Nhà Quốc hội.

Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sao cho hiệu quả

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Hội nghị được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần nội dung thảo luận. Đây là Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của Quốc hội Khóa XIV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hội nghị sẽ xem xét 2 dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về Hội sẽ được đưa ra thảo luận và tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV. Việc ban hành 2 đạo luật này là rất cần thiết để thể chế hóa cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Qua đó bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền lập hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước. Hai dự án luật này đã được Quốc hội Khóa XIII thảo luận tại Kỳ họp thứ mười, chuyển giao lại để Quốc hội Khóa XIV xem xét, thảo luận, thông qua.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGDTNTN&NĐ) Phạm Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo UBVHGDTNTN&NĐ chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức nhiều buổi làm việc, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến cơ quan hữu quan, các chuyên gia về pháp luật và tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, kết quả tập hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số đại biểu cho rằng, việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.

Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Nên việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị phải có một cơ quan nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Về lĩnh vực tín ngưỡng, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung những quy định cụ thể hơn nhằm thể hiện sự phong phú của lĩnh vực tín ngưỡng và bảo đảm hoạt động tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thường trực UBVHGDTNTN&NĐ đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể, đầy đủ hơn về lĩnh vực tín ngưỡng. Tuy nhiên, các loại hình tín ngưỡng ở nước ta rất đa dạng và phức tạp, hình thành và tồn tại dựa trên cơ sở lý luận chưa chặt chẽ, thiếu tính hệ thống mà việc luật hóa là khó khả thi. Do vậy, đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung đã ổn định, rõ ràng liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng; ban quản lý, người đại diện và tài sản của cơ sở tín ngưỡng; hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Thảo luận vấn đề này, các ĐB cho rằng, nên chuyển hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì ngay trong các văn bản của dự án luật cũng khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo là các hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các ý kiến cũng nhất trí quan điểm cho phép các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở giáo dục, thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác.

Theo ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, từ thực tiễn đây là vấn đề cần thiết. Quan trọng là quy định như thế nào để các tổ chức tôn giáo tuân thủ các quy định của pháp luật về giáo dục, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để truyền bá tín ngưỡng, tôn giáo trái luật.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đề nghị, nên “thu về một đầu mối để quản lý”, thay vì tôn giáo do Bộ Nội vụ quản lý, lễ hội tín ngưỡng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Hoạt động tôn giáo cũng là một hoạt động văn hóa, nên giao Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quản lý sẽ hợp lý hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã kết luận một số nội dung và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp dự thảo Luật chuẩn bị cho việc trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sao cho hiệu quả