“Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”. Lời dạy ấy đã đi vào tâm khảm mỗi cán bộ tư pháp, mỗi Thẩm phán, cán bộ Tòa án, nhưng hiểu và thực hiện cho đúng, cho đầy đủ, phù hợp v

Phụng công, thủ pháp

“Phụng công” nghĩa là tôn thờ lẽ công bằng, tôn thờ công lý, không thiên lệch. “Thủ pháp” là giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không vì lý do gì mà bẻ cong, làm trái pháp luật. Muốn “phụng công, thủ pháp” được thì trước hết Thẩm phán, người cán bộ Tòa án phải có bản lĩnh, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và cái tâm trong sáng.

Năm 1950, nói chuyện tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu trong công tác xử án: “Phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy như vậy đề nhắc nhở về tình trạng cán bộ tư pháp xa dân, chỉ thuộc luật một cách máy móc, không hiểu cuộc sống thực của người dân, không hiểu phong tục, tập quán để có được những phán quyết thấu tình đạt lý, khiến người dân “tâm phục khẩu phục”. Thực tế xét xử các vụ án dân sự hiện nay cho thấy, những Thẩm phán không ngại khó, ngại khổ, trực tiếp xuống các địa phương để tìm hiểu tập tục, gặp gỡ, trao đổi với cán bộ địa phương, già làng trưởng bản, thân tộc các đương sự thì hòa giải thành nhiều, những vụ phải xét xử thì tỷ lệ kháng cáo, kháng nghị cũng rất thấp. Điều đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thì án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị khá phổ biến. Điều đó cho thấy ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong lời dạy của Bác Hồ.

Gần dân còn có nghĩa gần gũi quần chúng nhân dân nói chung.

Rõ ràng, ý thức gần dân, học dân đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng xét xử, nhưng vì sao giúp dân, học dân lại giúp cán bộ “thêm liêm khiết, thêm công bằng”? Bởi vì có gần dân mới thấy được cuộc sống hàng ngày của người dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ mà qua những lá đơn không thể diễn tả hết được. Tận mắt thấy để thêm thông cảm, thêm tình thương yêu, khiến người cán bộ tư pháp tự dặn mình phải liêm khiết, trong sạch, mang đến sự công bằng cho người dân, loại trừ cho họ những bất công, oan trái.

Chí công, vô tư

“Chí công” là hết mực công tâm. “Vô tư” là không vì lợi ích riêng tư nào. Đây là hai tiêu chuẩn cần thiết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong tư cách đạo đức của người cầm cân nảy mực về công lý.

Mục tiêu cao nhất của hoạt động xét xử là đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, ngành Tòa án nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung trong hơn 60 năm qua đã nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu ấy, nhưng vẫn luôn còn một tỷ lệ không nhỏ án oan sai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội từng nhấn mạnh: Không thể nói đến một nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân nếu vẫn còn nhiều người dân phải chịu oan ức, bất công, hoặc tính mạng, tài sản và danh dự của họ bị xâm hại bởi những quyết định không công bằng, trái luật của cơ quan tư pháp, trong đó có các bản án, quyết định của Tòa án.

Vậy vì sao mà còn oan sai? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân không nhỏ, đó là do cán bộ, Thẩm phán không “chí công, vô tư” như lời Bác Hồ căn dặn.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đau đáu về hiện tượng này. Trong một bài phỏng vấn mới đây, Chánh án trăn trở: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Tòa án chúng tôi vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới... Đặc biệt, một số cán bộ công chức của ngành có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật của ngành, thậm chí có trường hợp bị xử lý hình sự”.

Khi người giữ quyền phán xử mà không còn công tâm, đã bị lợi ích vật chất nào đó chi phối thì làm sao có bản án khách quan, công bằng và đúng pháp luật cho được.

Cải cách tư pháp là phương tiện, là điều kiện

Có thể nói, phẩm chất, tiêu chuẩn “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là chủ quan, mà mỗi cán bộ tư pháp phải thường xuyên gìn giữ, rèn luyện nhưng hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khách quan nữa. Nếu không có điều kiện khách quan tương thích thì người cán bộ tư pháp, Thẩm phán cũng khó giữ được phẩm chất của mình.

Nói cách khác “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là “phần mềm”, còn những điều kiện tương thích kia như “phần cứng” mà công cuộc cải cách tư pháp hiện nay đang nâng cấp toàn bộ “phần cứng” đó, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp nói chung, ngành Tòa án nói riêng thực hiện nhiệm vụ của mình, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nói như vậy bởi lẽ, muốn “phụng công, thủ pháp” thì hệ thống pháp luật phải đầy đủ, phải đồng bộ và khoa học, không để tình trạng thiếu luật, luật này vênh với luật khác và hệ thống các cơ quan tư pháp cũng phải đồng bộ, trình độ cán bộ tư pháp phải được nâng lên phù hợp với thực tiễn đất nước. Ví dụ, muốn “thủ pháp”, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, chống oan sai thì phải thực hiện thật tốt hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, muốn như vậy trình độ của công tố viên, của Thẩm phán phải vững vàng. Nếu Thẩm phán giỏi mà Kiểm sát viên không giỏi hoặc ngược lại, thì khó có phiên tranh tụng đạt hiệu quả, làm sáng tỏ được sự thật khách quan của vụ án.

Hay muốn không còn án quá hạn luật định thì Tòa án phải có đủ Thẩm phán, có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu.

Ở một khía cạnh khác, muốn Thẩm phán có thể kiên định lập trường, bảo vệ pháp luật thì Tòa án phải độc lập, tránh mọi sự can thiệp, tác động từ cơ quan khác trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhiều vụ việc trong thời gian qua đã cho thấy yêu tố bị tác động đã dẫn đến chất lượng xét xử của Tòa án bị ảnh hưởng.

TS. Phạm Duy Nghĩa nhận xét: “Việt Nam đã qua một thập kỷ xây dựng văn bản pháp quy với tốc độ gia tăng một cách dày đặc dần, song cuộc du nạp các Tòa án độc lập và những thiết chế thực thi pháp luật vẫn còn rất dang dở. Cuộc tranh luận về án đụng trần, về quyền giám sát của Quốc hội đối với các bản án của Tòa án, thậm chí những cuộc tiến thoái không rõ chủ đích trong tầm nhìn cải cách đối với VKSND cho thấy một thái độ chưa thật dứt khoát, chưa đủ quyết tâm xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập, đủ mạnh. Trong tương quan với sức mạnh của Chính phủ, ngành Tòa án của Việt Nam đang có một vị thế khiêm tốn hơn rất nhiều”…

Đó là những cái khó để cán bộ tư pháp “phụng công, thủ pháp”, còn muốn “chí công, vô tư” thì đời sống của cán bộ tư pháp, của Thẩm phán phải được bảo đảm, để họ có điều kiện “dưỡng liêm” trước những cám dỗ vật chất vẫn đang bủa vây…

Điều đáng mừng là công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và cải cách tư pháp những năm qua đã có những bước tiến lớn, tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, cũng đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp và hệ thống Tòa án hoạt động có hiệu quả hơn.

Chỉ dấu rõ nét nhất là công cuộc xây dựng pháp luật mạnh mẽ, có lẽ là mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước ta cho đến nay với nhiều bộ luật, đạo luật được ban hành. TS. Phạm Duy Nghĩa nhận xét, “có thể so sánh phần nào với thời Minh Trị canh tân ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, hơn 100 năm sau, Việt Nam cũng bắt tay vào xây dựng những nền móng pháp luật quan trọng cho một xã hội công nghiệp bằng việc ban hành kế tiếp những bộ luật đồ sộ chịu ảnh hưởng từ phương Tây”.

Công cuộc cải cách tư pháp cũng đã đặt ra những lộ trình cụ thể và những mục tiêu, nhiệm vụ cho từng cơ quan để đạt được sự đồng bộ về mọi mặt đó, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đối với ngành TAND, cũng đã có những bước tiến dài.

Trong dịp đến thăm và làm việc với TANDTC mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác Tòa án nói riêng và trong cải cách tư pháp nói chung trong thời gian qua, đặc biệt là án oan sai giảm hẳn; những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn tiếp tục được khắc phục.

Công tác xây dựng ngành có tiến bộ, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất của các Toà án tiếp tục kiện toàn, bổ sung; công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện các văn bản pháp luật; việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp được đẩy mạnh, nhất là nhiệm vụ tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện, đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại các phiên tòa và triển khai nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp…

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Tòa án độc lập trong xét xử và chỉ tuân thủ theo pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

***

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập ngành TAND, đánh dấu bằng Sắc lệnh 33c ngày 13-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngành Tòa án có thể tự hào về những thành tựu vẻ vang của ngành, nhưng cũng đặt ra cho mình những mục tiêu phải phấn đấu, nâng cao chất lượng xét xử, xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng, của Nhà nước và Nhân dân, nhằm "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại, bảo vệ công lý"… Trong hành trình đó, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những cẩm nang quý báu.

CÔNG LÝ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”