Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Văn hoá giao thông phải trở thành thói quen của mỗi người

Thanh Vân| 08/12/2015 17:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/12, Ủy ban ATGTQG tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG chủ trì Hội nghị. 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyến biến tốt. Trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tai nạn giao thông giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Văn hoá giao thông phải trở thành thói quen của mỗi người

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia phát biểu kết luận Hội nghị.

Tính từ năm 2011 đến 2015, trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4% /năm và mô tô tăng 7,14%/năm), tai nạn giao thông giảm trên 50% số vụ (19,5%/năm), 23,7% số người chết (7%/năm), 60% người bị thương (25%/năm). Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong 5 năm như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tây Ninh, Đà Nẵng. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trục giao thông chính đã từng bước được khắc phục. 

Chia sẻ tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thực tế cho thấy ở những địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, người đứng đầu quan tâm chỉ đạo, quyết liệt, sát sao, tai nạn giao thông giảm. Đà Nẵng là một ví dụ. Với mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông, từ năm 2011 - 2015, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và thường trực Ban An toàn giao thông thành phố đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp với các cấp, các ngành để triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hàng tháng, Bí thư Thành ủy phải nghe báo cáo về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỗi vụ tai nạn xảy ra đều có tin nhắn báo cáo trực tiếp vào máy lãnh đạo thành phố, cũng như công an. Trong quá trình thực thi, Ban An toàn giao thông thành phố đã có giải pháp, mô hình trong đảm bảo an toàn giao thông như chỉ đạo kiểm tra các cơ sở bán, sản xuất mũ bảo hiểm, triển khai dự án kiểm soát nồng độ cồn, thí điểm mô hình nhà hàng an toàn, lái xe thân thiện… Nhờ đó, 5 năm qua, số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm 37,2%, nhận thức của cộng đồng về pháp luật an toàn giao thông được nâng cao. Đến nay, 100% người dân tham gia giao thông đã đội mũ bảo hiểm, hầu hết đều đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. 

Tuy nhiên, nhiều bất cập, hạn chế cũng đã được các đại biểu đề cập tại Hội nghị như tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xẩy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2015, tai nạn giao thông ở số địa phương và lĩnh vực đường thủy, đường sắt tăng cao. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng đã giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp, còn hiện tượng cơi nới thành, thùng xe trái quy định. Tình trạng ùn tắc giao thông lại có hiện tượng tái diễn phức tạp tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là khi có triều cường, mưa lớn, gây úng ngập cục bộ hoặc trên các tuyến có công trình đang thi công. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Văn hoá giao thông phải trở thành thói quen của mỗi người

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2011 - 2015. 

Biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng lớn, quyết liệt, đồng bộ ngày đêm của lực lượng làm công tác đảm bảo an toàn giao thông cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những kết quả đạt được thời gian qua là rất tốt, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí trong 5 năm qua và lần đầu tiên trong vòng 14 năm trở lại đây, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 9.000 người. 

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều địa phương, nhiều lực lượng cùng vào cuộc, trong đó chủ lực là lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, tất cả các địa phương đều coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đây là điều đáng mừng - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn nhiều bất cập phức tạp trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chết nhiều người còn xảy ra. Tuy số người chết trong thời gian qua đã giảm 2.000 người nhưng vẫn còn cao. Tình trạng xe chở quá tải quá tải, phá đường còn đến 15%. So với trước đây, ùn tắc giao thông ở hai TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có giảm nhưng vẫn còn cục bộ. Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý giao thông, thu phạt, xử phạt. 

Theo Phó Thủ tướng, nhận thức về Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông chưa được quan tâm ở một số nơi, phải làm sao để các chủ trương, chính sách này đi vào tới từng chi bộ, vào thôn xóm, đến từng đội viên, đoàn viên. Phó Thủ tướng cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, văn hoá giao thông phải trở thành thói quen của mỗi người. Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xử lý an toàn giao thông, quy họach đô thị tốt hơn, sửa chữa các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các địa phương phải tìm nguyên nhân, giải pháp căn cơ hơn để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10%, để mỗi năm số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống còn 5.000 người, đây là con số rất ý nghĩa với từng gia đình. 

Phát động thi đua đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, các địa phương làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn giao thông, tiếp tục thực hiện mục tiêu tính mạng con người là trên hết, giảm ùn tắc giao thông của các thành phố lớn, triển khai các chuyên đề về an toàn giao thông trên đường cao tốc, tổ chức giao thông, quản lý đô thị tốt hơn, văn minh hơn. Các chế tài xử phạt phải tăng nặng, đủ sức răn đe, tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 11 tập thể và 12 cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Văn hoá giao thông phải trở thành thói quen của mỗi người