Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với nhiều dự án luật

M.Thoa| 15/10/2015 20:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 15/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã họp và cho ý kiến vào dự thảo Luật về Hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền lập Hội

Thảo luận dự án Luật về Hội, UBTVQH nhất trí với những quan điểm, sự cần thiết xây dựng dự án Luật này được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các ý kiến cho rằng dự án Luật phải thể chế hóa được quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của các đoàn thể nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập Hội, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của Hội, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước…

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị, nếu quy định Luật này chỉ điều chỉnh những hội có tư cách pháp nhân thì phải nói rõ vì các hội đa dạng, phổ biến trong xã hội hiện nay sẽ hoạt động theo luật nào? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước phân tích, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, quyền lập hội là quyền của công dân, không phải là quyền của mọi người, tức là không bao gồm người nước ngoài và người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, quyền tham gia hội của họ cũng vẫn cần được bảo đảm.

Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với nhiều dự án luật

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề đây là Luật về hội hay luật về lập hội của công dân Việt Nam để nhấn mạnh rằng quy định như dự thảo Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền tự do lập hội.  Vì vậy cần quy định rõ, những hội có tư cách pháp nhân thì phải tuân theo luật về hội, còn những hội khác thì cứ tự do thành lập, tự do hoạt động theo Hiến pháp. Quy định như vậy mới thấy được là quyền lập hội được bảo đảm theo Hiến pháp năm 2013. Luật cũng cần quy định rõ việc công nhận các hội, tổ chức phi chính phủ để họ được hoạt động tại Việt Nam, được thực hiện như thế nào, điều kiện để được công nhận hoạt động ra sao, vì việc công nhận này lâu nay vẫn được thực hiện.

Cần chặt chẽ khâu hậu giám sát

Cho ý kiến về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu đều có chung nhận định, vai trò của công tác giám sát và sau giám sát hết sức quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, từ trước đến nay trong luật này chúng ta vẫn còn tồn tại một yếu điểm cần phải khắc phục, đó là hiệu lực của hoạt động giám sát còn chưa cao, cần phải khắc phục, không thể để tình trạng như hiện nay, lúc đi giám sát thì rồng rắn nhau đi, xong rồi kết quả lại để trôi mất. Do vậy yêu cầu sau giám sát phải có báo cáo, kiến nghị, kết luận… nhằm tránh tình trạng khi đi thì “hoành tráng”, nhưng mọi việc sau giám sát không có chuyển biến gì - Chủ tịch nhấn mạnh.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, dự thảo Luật phải làm rõ mỗi cuộc giám sát phải có báo cáo kết quả, trong đó nêu kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức liên quan. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đặc biệt quan tâm đến hiệu quả giám sát được thực hiện như thế nào. Ông Phước cho rằng dự thảo vẫn chưa rõ về trách nhiệm của các cơ quan bị giám sát.

Cũng trong ngày 15/10, UBTVQH cho ý kiến Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với nhiều dự án luật