"Nhà báo có thể chưa vi phạm pháp luật nhưng phải tự xem nên hay không nên làm"

Ngọc Mai| 14/07/2016 15:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn lưu ý những người làm báo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam diễn ra sáng nay 14/7.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Hội nghị do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức. Đây là hoạt động quan trọng mở đầu Chương trình hành động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Báo chí 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu rõ: Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, Chủ tịch nước công bố luật vào ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Luật Báo chí được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí sửa đổi 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Việc sửa đổi và ban hành Luật báo chí 2016 khẳng định Đảng, Nhà nước đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, nặng nề cho những người làm báo Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định: Những năm qua, những người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân, phê phán đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng tiêu cực, tệ nạn xã hội,... góp phần dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của xã hội. Song bên cạnh đó, có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo đang diễn ra ngày càng phức tạp, cho thấy dấu hiệu tha hóa trong một bộ phận người làm báo. Đó là hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, bóp méo sự thật... Tình trạng nhà báo lạm quyền - cửa quyền ngày càng gia tăng; vẫn còn hiện tượng nhà báo lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi cá nhân, làm trái pháp luật...

Theo Điều 8 Luật Báo chí 2016, một trong những nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là ban hành, tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra trong 5 tháng từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016.

Tham dự phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn  đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy định đạo đức người làm báo.

“Chuẩn mực bao hàm trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo. Bộ quy tắc do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phải là quy tắc mẹ, đáp ứng chuẩn mực chung của nghề báo và sát thực tế. Từ những nguyên tắc nền tảng đó, các cơ quan báo chí phải xây dựng những bộ quy tắc con của mình. Ví dụ BBC có quy tắc riêng về biên tập và làm báo, đã chấp nhận là phóng viên của BCC thì phải tuân thủ. Tại sao cơ quan báo chí của ta không làm thế”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặt vấn đề. 

"Đây không phải là một khái nhiệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, nó hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Nhà báo có thể chưa vi phạm pháp luật nhưng phải tự xem nên hay không nên làm. Mỗi cá nhân ứng xứ trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo", ông Trương Minh Tuấn nói.

"Lằn ranh giao thoa đó không phải lúc nào cũng rõ ràng, chính người làm báo tự biết mình nên làm gì, không nên làm gì. Bản thân mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo có chuẩn mực đạo đức của riêng mình. Cao quý nhất của người làm báo VN là liêm chính, liêm khiết và chính trực".

Hoan nghênh việc Hội Nhà báo VN tổ chức góp ý kiến xây dựng Quy định người làm báo VN mới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Mục đích là chống lại sự xung đột lợi ích và và chống lạm dụng, làm rõ trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin 'bỏng mắt, đắng lòng', bất chất đạo lý, đảm bảo báo chí hoạt động độc lập, có trách nhiệm giải trình và sửa sai".

Bộ trưởng cũng cảnh báo sự phát triển của mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo như hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng quyên được biết sự thật của công chứng, xâm phạm quyền tự do cá nhân, xúc phạm uy tín tổ chức và nhân phẩm cá nhân, kiểm chứng nguồn tin, bảo vệ nguồn tin, vi phạm bản quyền, trao đổi tranh luận văn minh trên internet, phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội...

"Độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí nói chung, báo mạng nói riêng", Bộ trưởng TT&TT lưu ý.

Cũng tại Hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh rằng Luật Báo chí 2016 không chỉ dành riêng cho những người làm báo mà cho mọi công dân của Việt Nam. Bởi Luật này quy định cả quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Phải quán triệt cho công dân nắm luật, thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình trên báo chí. Bộ trưởng cũng đã chia sẻ rõ hơn về những điểm mới của Luật Báo chí 2016, chẳng hạn như chính sách của nhà nước có sự thay đổi từ cơ chế hỗ trợ ngân sách sang cơ chế đặt hàng, giờ nhà nước đặt hàng cơ quan báo chí phù hợp với cơ chế quản lý của Luật Ngân sách, đảm bảo cơ chế tự chủ của các cơ quan báo chí; Công dân có quyền liên kết với cơ quan báo chí để hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;...

Bộ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương cũng cần tích cực tham gia triển khai phổ biến quán triệt các nội dung của Luật Báo chí cho đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, nhà báo và cả người dân. Các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi công dân thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016. Hiện Bộ TT&TT đang tích cực triển khai một số văn bản hướng dẫn để đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống. Trong đó có xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10/2016 hai Nghị định về Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, và Lưu chiểu điện tử; Xây dựng và ban hành 3 thông tư về Quy định trình tự thủ tục việc cấp phép báo in, báo điện tử; Quy định trình tự thủ tục việc cấp phép báo nói, báo hình; Hướng dẫn cấp đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nhà báo có thể chưa vi phạm pháp luật nhưng phải tự xem nên hay không nên làm"