Người phát ngôn Chính phủ lên tiếng vụ ông Nguyễn Minh Mẫn "dạy" cách bưng bít thông tin, đối phó báo chí

Trọng Bằng| 29/11/2016 21:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

2 vụ việc liên quan đến công tác cán bộ đang được dư luận quan tâm là vụ ông Nguyễn Minh Mẫn và ông Vũ Huy Hoàng đã được Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (29/11).

Người phát ngôn Chính phủ lên tiếng vụ ông Nguyễn Minh Mẫn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời tại buổi họp báo

Vụ ông Nguyễn Minh Mẫn: Sẽ kiểm điểm sâu sắc

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm nay, báo chí đặt câu hỏi xung quanh việc ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng Vụ 3, Thanh tra Chính phủ có những phát ngôn gây dư luận không tốt, “dạy” cách bưng bít thông tin, đối phó báo chí trong quá trình thanh tra. Cụ thể, trong buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Nguyễn Minh Mẫn “khuyên" các thầy cô: “Kể cả trong quá trình thanh tra, không tiếp khách, không tiếp báo chí. Trừ báo Đảng vào tuyên truyền giúp..., còn lại thì không có làm gì hết, không tiếp... Tôi nói rõ bất kỳ nhà báo nào vào quấy nhiễu, các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi...".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ, tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng nêu một trong những giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội là truyền thông.

“Tinh thần của Thủ tướng là thông tin minh bạch, chủ động cung cấp thông tin. Trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng còn tất cả những gì không thuộc bí mật nhà nước thì đều phải minh bạch, công khai”, Bộ trưởng nói.

Trong trường hợp cụ thể Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, những kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra là thông tin được công bố rộng rãi, không có gì giấu giếm.

“Đây là cách ứng xử, lời nói không đúng, cần lên án. Trừ khi đang thực hiện thanh tra thì không được công bố, đã kết luận thì được công khai”, Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến báo chí và sẽ chuyển tải đến Tổng Thanh tra Chính phủ để rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc việc này chứ không để cán bộ như vậy.

Cũng liên quan đến ông Nguyễn Minh Mẫn, PV báo Người lao động đặt câu hỏi: “Năm 2012, khi lấy phiếu thăm dò bổ nhiệm tại Thanh tra Chinh phủ thì 9/10 phiếu không đồng ý, nhưng sau đó ông Mẫn vẫn được bổ nhiệm. Thanh tra Chính phủ có báo cáo việc này với Thủ tướng?”

PV Báo Nông nghiệp VN cũng đặt vấn đề: “Tại sao ông Mẫn được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, không được tín nhiệm vẫn được bổ nhiệm?”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ thanh tra căn cứ trên các quy định, tiêu chuẩn. Hoàn thành nhiệm vụ cũng là một trong những căn cứ, tiêu chuẩn để bổ nhiệm. Hôm nay khi báo chí đưa thông tin này, Bộ sẽ tiếp nhận, làm việc với Thanh tra Chính phủ để nắm rõ, và sau đó sẽ có thông tin chính thức tới báo chí.

Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật

Về quan điểm, phương án xử lý của Chính phủ đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sau khi Bộ Nội vụ có báo cáo.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương, phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành của pháp luật để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó:

Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiến hành tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phát ngôn Chính phủ lên tiếng vụ ông Nguyễn Minh Mẫn "dạy" cách bưng bít thông tin, đối phó báo chí