Nghị quyết Quốc hội không cho phép bỏ môn lịch sử

Xuân Lan| 28/11/2015 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết được thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào chiều qua (27/11), trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.

Trong nghị quyết “Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn” đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tư pháp. Trong đó, liên quan đến vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa, Quốc hội yêu cầu “thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Nghị quyết Quốc hội không cho phép bỏ môn lịch sử

Đại biểu Quốc hội tán thành việc thông qua Nghị quyết giữ lại môn học Lịch sử trong sách giáo khoa mới. Ảnh: Giang Huy

Đặc biệt đối với môn học cụ thể là môn lịch sử cũng được Quốc hội đưa vào Nghị quyết vì thời gian qua, trong dự thảo chương trình mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, có nội dung về việc tích hợp môn lịch sử với các môn học khác đã xuất hiện nhiều ý kiến bàn luận. Vấn đề này cũng trở nên khá "nóng" tại nghị trường Quốc hội. Khi tham gia chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai đã gọi việc tích hợp môn Lịch sử trong dự thảo chương trình mới là "sự xáo trộn tâm can". Đại biểu này đã đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề trên, có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp hay không.

Theo đó, trong Nghị quyết Quốc hội đã ghi rõ: “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề, từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

* Chiều muộn cùng ngày, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong buổi Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã cho biết, qua hơn 1 tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã kết thúc thành công và hoàn thành khối lượng công việc lớn liên quan đến nhiều quyết sách, vấn đề lớn của đất nước.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Các bộ luật, luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm các quyền hiến định của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường XHCN, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Các Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tố tụng hành chính sửa đổi, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam... đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác giám sát.

Đồng thời, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến một số dự án luật nhằm tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, tín ngưỡng, lập hội...

Về xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020. Quốc hội đã tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, nêu rõ kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH của đất nước. Từ đó, quyết định các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KTXH.

Quốc hội quyết định từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh lương hưu đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.

Triển khai Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê duyệt danh sách các phó Chủ tịch, ủy viên Hội đồng, quyết định ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 vào ngày chủ nhật, 22/5/2016.

Nội dung quan trọng được cử tri cả nước quan tâm tại kỳ hợp Quốc hội lần này là thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đã có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành. Đặc biệt, nội dung và cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới, được đông đảo cử tri đánh giá cao, thu hút được sự quan tâm của đồng bào cả nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết Quốc hội không cho phép bỏ môn lịch sử