Nên có quy định hợp lý về trách nhiệm bồi thường của TANDTC

Quốc Huy| 01/06/2017 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (TNBTNN) quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là vấn đề được ĐB thảo luận ngày 31/5.

Nên có quy định hợp lý về trách nhiệm bồi thường của TANDTC

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tại Hội trường. Ảnh Quốc hội

TANDTC không phải là cơ quan gây oan, sai sau cùng

Bồi thường trong tố tụng hình sự và cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường cũng là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội ( ĐB) quan tâm.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, Điều 34, 35, 36 dự thảo Luật quy định trách nhiệm giải quyết việc bồi thường với các cơ quan tiến hành tố tụng trên nguyên tắc cơ quan nào gây oan sai cuối cùng cơ quan đó phải bồi thường. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác cho thấy, quy định như vậy là không hợp lý, đồng nghĩa với việc có rất nhiều các cơ quan giải quyết việc bồi thường dẫn đến việc bồi thường sẽ không thống nhất và không thể bồi thường một cách khách quan. Trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng, có những “điểm rơi”  khó xác định rõ ràng, rành mạch, cơ quan nào là cơ quan gây oan sai sau cùng.

Cũng theo ĐB Nguyễn Tạo, trong thực tế, từ những vụ án oan sai vừa qua cho thấy, một vụ án oan sai phải trải qua một chuỗi tố tụng chặt chẽ, từ điều tra, truy tố đến xét xử nhưng lại buộc Tòa án phải bồi thường là không hợp lý.

Đóng góp ý kiến về trách nhiệm bồi thường của TANDTC nêu trong dự thảo Luật, ĐB Hoàng Văn Liên (Long An) cho rằng đây là các trường hợp mà Hội đồng Thẩm phán hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của mình và hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật do có vi phạm pháp luật để điều tra hoặc xét xử lại. Sau đó CQĐT/Tòa án điều tra/xét xử lại thì xác định bị can, bị cáo không phạm tội. Cả hai trường hợp nêu trong dự thảo, Hội đồng Thẩm phán hủy án để điều tra hoặc xét xử lại là theo quy định của pháp luật. Việc đình chỉ điều tra hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội là do kết quả điều tra lại hoặc xét xử lại. Trường hợp này, Hội đồng Thẩm phán không kết án oan, không phải là cơ quan gây oan sai sau cùng đối với người bị oan. Chính vì xét xử lại mà trong nhiều trường  hợp sau đó bị can, bị cáo được tuyên vô tội cho nên không thể buộc TANDTC phải bồi thường thiệt hại. ĐB Liên đề nghị bỏ điểm b và c khoản 4 Điều 36.

Về trách nhiệm bồi thường của Tòa án trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, dự thảo Luật quy định: “Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án, quyết định đó theo thủ tục đặc biệt”, các ĐB đề nghị xem xét lại quy định này. Bởi vì, phạm vi bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực này gồm: ra bản án trái pháp luật; làm sai lệch hồ sơ vụ án; thực hiện không đúng khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại cho đương sự. Trong thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán trong BLTTDS và Luật TTHC đều không quy định trách nhiệm của Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng bị Hội đồng Thẩm phán hủy theo thủ tục đặc biệt. Vấn đề này đã được quy định tại khoản 6 Điều 37 của dự thảo, vì vậy đề nghị cần bỏ khoản 5 Điều 37 của dự thảo Luật.

Công chức làm sai phải bồi hoàn ra sao?

Về trách nhiệm liên đới để bồi hoàn trong trường hợp có nhiều công chức thuộc  nhiều cơ quan gây ra oan sai. Dự thảo Luật quy định tại Điều 15, 40 ,65 mang tính nguyên tắc theo hướng các công chức đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, nếu chỉ quy định chung như vậy sẽ rất khó khăn trong thực tế. Vì đối với một vụ án hình sự thì việc xác định nhiều công chức thuộc  nhiều cơ quan gây ra oan thì hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng,  sai sót trong tiến hành tố tụng hình sự là sai sót của cả một quá trình. Bởi vì VKS sẽ không thể truy tố được nếu không có kết luận của cơ quan điều tra; Tòa án không thể xét xử nếu không có cáo trạng truy tố và chuyển chứng cứ buộc tội sang của VKS… Do đó, công chức của cả ba cơ quan tố tụng đều phải có trách nhiệm phải bồi hoàn. Nhưng loại ý kiến thứ hai thì cho rằng luật đã trao cho mỗi cơ quan thẩm quyền độc lập, cụ thể là sau khi chuyển hồ sơ sang VKS có quyền phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định khởi tố và tương tự như vậy với Tòa án, nên cơ quan cuối cùng gây oan sai phải chịu trách nhiệm.

Theo bà Thủy, một nền tư pháp hiện đại có trách nhiệm là không để một người nào gây ra oan sai đứng ở vòng ngoài, không dồn trách  nhiệm ở khâu cuối cùng. Thay vì quy định nguyên tắc như dự thảo cần quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà đã quyết định việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, truy tố người đó ra tòa mà sau đó xác định bị oan thì những người đó phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách Nhà nước.

Đối với việc phục hồi danh dự cho người bị oan,  dự thảo Luật tiếp cận theo hướng  phải có đơn yêu cầu của người bị oan mới tiến hành xin lỗi công khai phục hồi danh dự. Quy định này căn cứ trích dẫn điều 34 của BLDS vào quy định này là chưa phù hợp. Đây là cá nhân bị cơ quan nhà nước làm oan trong quá trình thi hành công vụ,  không phải là quan hệ dân sự mà là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.

Hơn nữa, nếu như biện pháp  này được áp dụng đúng thì phát huy được vai trò trong  phòng chống tội phạm, nhưng nếu áp dụng sai thì hậu quả để lại cho người bị oan rất nghiêm trọng.

Về biện pháp bắt người quy định tại Điều 113 BLTTHS, nếu việc bắt người được tiến hành tại nơi cư trú thì phải có chứng kiến của hàng xóm, còn tại cơ quan người cơ quan thì phải có sự chứng kiến của người đại diện cơ quan nơi người đó công tác. Sau khi bắt xong phải tiến hành các biện pháp khám người, còng tay, áp giải đi. Và như vậy sau thực hiện việc này, người bị áp dụng bị còng tay dẫn đi trước sự chứng kiến của nhiều người, vợ con, hàng xóm, đồng  nghiệp mà sau này xác định là oan lại phải có đơn yêu cầu thì mới được minh oan là không hợp lý, ĐB Thủy đưa ra nhận định.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, UBTVQH chỉ đạo các cơ quan tiếp thu giải trình ý kiến của các ĐB hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên có quy định hợp lý về trách nhiệm bồi thường của TANDTC