Nên ban hành Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện hay không?

Mai Thoa| 30/03/2017 06:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/3, Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 4 cho ý kiến về dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện do TANDTC trình. Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Dự kiến 10 biện pháp khẩn cấp tạm thời

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; góp phần giải quyết hậu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Tuy nhiên BLTTDS hiện hành mới chỉ quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ khi người khởi kiện nộp đơn cho Tòa án mà chưa quy định việc áp dụng biện pháp này trước khi khởi kiện.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chánh án TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng luật  này. Hồ sơ dự án Luật đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của TANDTC để các cơ quan tổ chức góp ý kiến. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, TANDTC đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật trình UBTP thẩm tra, UBTVQH cho ý kiến.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, thực tế hiện nay có nhiều trường  hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản của mình đang bị xâm phạm nhưng vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra Tòa án hoặc họ muốn tự thương lượng để giải quyết với nhau trước khi khởi kiện ra Tòa án. Trong những trường hợp này họ cần Tòa án hỗ trợ, áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cũng cho phép áp dụng biện pháp này rất hiệu quả…Vì vậy việc ban hành Luật này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện (các biện pháp này được Tòa án áp dụng không phụ thuộc vào việc người yêu cầu có khởi kiện hay không khởi kiện vụ án tại Tòa án).

Có 10 biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện được dự thảo Luật quy định gồm: Kê biên tài sản; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản; Cấm chuyển dịch tài sản; Phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; Thu giữ, niêm phong, cấm di chuyển hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất…

Nên ban hành Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện hay không?

Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Tư pháp

Các ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện là loại việc mới, chưa có thực tiễn nên bước đầu cần quy định thận trọng, chặt chẽ vì thủ tục này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của chủ thể bị áp dụng. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phải áp dụng ngay một trong các biện pháp này thì người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm (tương tự như quy định Điều 136 BLTTDS). Như vậy chỉ nên quy định trong Luật này các biện pháp liên quan đến yêu cầu bảo toàn tài sản, quyền tài sản để đảm bảo tính hợp lý, khả thi. Có như vậy Tòa án mới có cơ sở để xem xét, ấn định mức bảo đảm về tài chính đối với từng trường hợp cụ thể.

TANDTC đồng tình với quan điểm này và cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện có thể ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị yêu cầu nên cần thận trọng trong việc lựa chọn các biện pháp áp dụng. Đối với những biện pháp liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, nếu áp dụng không đúng có thể gây ra hậu quả cho bên bị áp dụng…nên Tòa án cần xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ trước khi quyết định.

Nghiên cứu bước đầu về dự án luật này, Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là dự án luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, Tờ trình còn đề cập đến sự cần thiết ban hành luật chưa cụ thể, chưa có thực tiễn vì vậy cần có đánh giá, tổng kết về vấn đề này.

Cần thiết ban hành luật hay không?

Trước khi các đại biểu cho ý kiến về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại quan điểm của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình là phiên họp cần bàn thảo kỹ lưỡng về những lợi ích và tính khả thi mà dự án luật này mang lại cũng như sự cần thiết phải ban hành. Thận trọng trong trường hợp quy định có thể bị lạm dụng gây ảnh hưởng đến các đối tượng bị tác động. Mọi quyết định đều trên tinh thần vì lợi ích chung và mang lại giá trị tốt nhất cho xã hội.

Trước đó, cho ý kiến góp ý bằng văn bản về dự thảo Luật, các cơ quan: Chính phủ, VKSNDTC, Ban Chỉ đạo CCTPTW, Liên đoàn luật sư Việt Nam…đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này.

Tại phiên họp, các ý kiến đồng tình quan điểm về tầm quan trọng và sự cần thiết phải ban hành luật này. Song bên cạnh đó một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của Luật khi ban hành. Đây là vấn đề hoàn toàn mới nên cũng chưa có thực tiễn để tổng kết, đánh giá.

Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk lo ngại, đây là vấn đề mới mà trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh trên thương trường vô cùng khốc liệt. Nguy cơ không loại trừ việc tổ chức, cá nhân lạm dụng Luật để hại nhau, Thẩm phán các địa phương rất ngại và e dè về vấn đề này. Chưa kể, hiện nay Tòa án được giao thêm một số thẩm quyền, nhưng biên chế không tăng; nếu có thêm thẩm quyền này e rằng sẽ khó khăn vì thiếu nhân lực làm việc.

Tuy nhiên, ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật- Văn phòng Chính phủ cho rằng phải làm rõ có cần thiết ban hành luật này hay không. Theo tinh thần NQ 49 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thấy khó thực hiện, dễ bị lạm dụng mà không ban hành thì sẽ là một thiếu sót. Còn việc có thể gây hậu quả cho người bị áp dụng thì cần xem xét để quy định chặt chẽ.

Ông Hoàng Văn Liên, ủy viên UBTP cũng đề cập đến việc cần thiết ban hành luật này hay không. BLTTDS có thiết kế được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc khởi kiện (trước và sau khi thụ lý), nên cần có đánh giá, khảo sát để có căn cứ ban hành luật này.

Trên quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân một cách chính đáng, ĐB Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực UBPL Quốc hội cho rằng việc ban hành luật này là cần thiết. Trách nhiệm của Thẩm phán là làm đúng quy định của pháp luật, chứ không thể cứ có đơn là áp dụng. Lo ngại các hành vi vi phạm của cá nhân khi lạm dụng Luật để hại nhau mà không ban hành là không hợp lý.

Dẫn ra một ví dụ thực tế ở Lâm Đồng, đại diện VKSNDTC cho biết, có trường hợp đương sự vay rất nhiều tiền và chuyển thành tài sản đất đai và có ý định tẩu tán để bỏ trốn. Vụ việc chưa khởi tố, nhưng không có quy định nên không xử lý, ngăn chặn được. “Ở đâu đó có thể có chuyện  này chuyện kia, nhưng không vì thế mà chúng ta không  ban hành Luật”, đại diện VKSNDTC cho ý kiến.

Giải trình thêm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: Nghị quyết 49 đã nêu rõ về vấn đề này. Khi xây dựng BLTTDS đã nghiên cứu nội dung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện nhưng vẫn chưa đưa vào Luật nên Quốc hội đã ban hành nghị quyết giao TANDTC thực hiện. Quan điểm của TANDTC là cần thiết ban hành Luật và với mong muốn làm trong sạch môi trường pháp lý để kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế… TANDTC sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đề nghị UBTVQH cho gia hạn thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga ghi nhận sự cố gắng của TANDTC về thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong xây dựng dự án luật này. Với nhiều vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, UBTP thống nhất với đề xuất của TANDTC về việc lùi thời gian trình dự án luật nhằm thảo luận kỹ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên ban hành Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện hay không?