Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính

Ngọc Mai| 15/01/2018 17:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án; công khai thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án", Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ.

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính

Ảnh minh hoạ

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018.

Theo đó, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Bộ Tư pháp và ngành thi hành án toàn quốc cần xác định công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018 tiếp tục gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương của Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ”.

Xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh, cố ý không chấp hành án

Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương và đề nghị TANDTC, VKSNDTC tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự, nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thi hành án, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức nghiên cứu, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong hoạt động thi hành án dân sự, hành chính. Toàn ngành cần thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để tinh gọn thủ tục thi hành án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án, đảm bảo thực hiện mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng và thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội; tập trung hoàn thành, nâng cao chỉ tiêu về vụ việc, số tiền, đặc biệt là trong thu hồi tiền, tài sản trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành.

Tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành án hành chính theo quy định. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế về thi hành án hành chính; thực hiện nghiêm túc việc công khai giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, hạn chế phát sinh những vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài.

Các cơ quan thi hành án dân sự chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tập trung chỉ đạo phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án; công khai thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án.

Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua các dịch vụ công ích. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ trực tuyến thi hành án, tiến tới cung cấp dịch vụ trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính. Từ năm 2018, toàn Hệ thống phải vận hành và thực hiện nghiêm túc Phần mềm quản lý và thống kê thi hành án dân sự.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn Hệ thống thi hành án. Tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức hữu quan, Mặt trận, đoàn thể, Ủy ban Kiểm tra các cấp, trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò kiểm sát của Viện kiểm sát đối với công tác thi hành án dân sự.

Quan tâm thực hiện và phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông, báo chí về pháp luật, xây dựng ý thức công dân về chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng. Khuyến khích việc thỏa thuận trong quá trình tổ chức thi hành án nhằm giảm bớt các tranh chấp trong xã hội, xây dựng xã hội chấp hành pháp luật.

Xây dựng, hoàn thiện các cơ quan tư pháp, trong đó có Hệ thống Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh. Chấp hành viên và người làm công tác thi hành án dân sự liêm chính, có phẩm chất đạo đức, không làm sai lệch bản chất của vụ việc, không bị tác động bởi quyền lợi riêng tư, lợi ích nhóm. Chú ý thực hiện tốt công các đào tạo, bồi dưỡng Chấp hành viên, Quản tài viên, Thừa phát lại, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự, đảm bảo cưỡng chế thi hành án hiệu quả, kịp thời, chấn chỉnh một số cơ quan Công an địa phương thiếu tinh thần phối hợp; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp cản trở, chống đối, cố ý chây ỳ thi hành án; chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ đúng thời hạn; chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp thực hiện và phối hợp với các cơ quan Kiểm sát, Tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa tài sản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, tránh tẩu tán tài sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản.

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các vụ án về tham nhũng và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án.

Đề nghị TANDTC tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển giao bản án, quyết định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; kịp thời giải thích bản án, quyết định đã tuyên, bảo đảm tính khả thi.

Đề nghị VKSNDTC đề nghị kiểm sát và chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc kiểm sát thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án các cấp, quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính. Khi kiểm sát quá trình tổ chức thi hành án, nếu nhận thấy việc xử lý tài sản thi hành án thông qua đấu giá có vi phạm thì cơ quan Kiểm sát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan; trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm thì có quyền đề nghị cơ quan Điều tra xem xét theo trình tự tố tụng hình sự.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính