Khai mạc Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Xuân Lan| 15/10/2018 11:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc vào sáng nay (15/10). Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 15- 17/10.

Khai mạc Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung về những vấn đề chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và những vấn đề quan trọng khác. Đó là:

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội gồm: Đánh kết quả thực hiện kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; xem xét kết quả giữa kỳ các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình tài chính quốc gia, kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, cho ý kiến các báo cáo về: Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giữa các bộ, địa phương năm 2018; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2019 - 2021; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Cũng trong Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào các báo cáo về: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Cho ý kiến về công tác nhân sự.

Ngoài ra, cũng trong Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản; thành lập phường Tiến Thành thuộc thị xã Đồng Xoài và thành phố Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Nhìn chung công tác chuẩn bị cho phiên họp tiếp tục phát huy được tính tích cực. Các cơ quan hữu quan đã chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung để phục vụ cho phiên họp. Đây là phiên họp cuối để rà soát lại các công việc để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, do đó có nhiều nội dung phải xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Thời gian phiên họp ngắn, chỉ có 3 ngày nên tôi đề nghị các cơ quan trình bày ngắn ngọn, tập trung vào những vấn đề chủ yếu của nội dung phiên họp, nhất là các báo cáo kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách…”.

Tiếp theo, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về các Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan

Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày nhấn mạnh, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức, các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 cơ bản là tích cực và đúng hướng.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu NSNN năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ước đạt 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao, trong đó, cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu” – báo cáo nhận định.

Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

“Trong bức tranh chung, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan” – báo cáo nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ.

Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối NSNN dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ.

Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị tập trung cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, giảm bội chi NSNN.

“Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công” – báo cáo nhấn mạnh, đồng thời lưu ý việc công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, cổ phần hoá DNNN; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội